Tòa soạnThư đi – tin lại

Buồn thay hiện tượng “cầm nhầm”…

Tạp Chí Giáo Dục

Môi trường sinh viên vốn là một môi trường lành mạnh, trong sáng. Thế nhưng, thời gian qua lại nảy sinh ra hiện tượng “cầm nhầm” rất đáng buồn. Tuần trước, T. (sinh viên năm 2 – Đại học Bách khoa – TP.HCM) gọi điện cho tôi với giọng buồn rười rượi thông báo: “Mình quyết định dọn ra ở riêng vì không chịu nổi cảnh bị mất của mà không dám nghi ngờ ai”. Số là T. đang ở trong ký túc xá, mới lĩnh lương tháng dạy kèm được 1.000.000 đồng về bỏ túi, vừa thay áo đi tắm trở ra thì số tiền đã “không cánh mà bay”. T. giận lắm nhưng chỉ biết “ngậm bồ hòn” làm ngọt vì biết nghi ngờ ai đây trong số 10 bạn ở chung. Đó là tiền ăn, tiền học… trong một tháng của T. Nhà T. rất nghèo, cậu phải vừa đi học vừa đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Tôi hiểu được tâm trạng của T. vì bản thân tôi cũng đã lâm vào tình trạng như thế. Tôi và nhóm bạn đồng hương ở chung phòng trọ trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh). Đùng một cái, chiếc điện thoại di động Nokia mới “tậu” của tôi bỗng “bốc hơi”. Cả bọn trước nay sống với nhau như anh em trong một gia đình, khi chuyện này xảy ra thì bắt đầu lộn xộn, trong phòng ai cũng nghi ngờ lẫn nhau. Sự tin tưởng và vui vẻ giờ đã mất đi, thay vào đó là một bầu không khí nặng nề. Đứa nào cũng cảm thấy áy náy và tìm cách thanh minh, có đứa còn căm phẫn, lên án kẻ ăn cắp. Để giữ hòa khí, tôi đành chọn cách im lặng ra đi thuê phòng khác ở chung với chủ cho yên tâm. Nhưng cũng có bạn vì xót của nên đã làm to chuyện như trường hợp của L. (ĐHKHXH-NV TP.HCM) mới đây bị mất chiếc máy ảnh kỹ thuật số giá trị hơn 6 triệu đồng. L. đang học Khoa Báo chí nên chiếc máy ảnh ấy là một tài sản lớn để bạn tác nghiệp. Thế mà… chỉ sau một đêm ngủ dậy nó đã “nói lời chia tay” vĩnh viễn. L. tức tối tự ý xét va-ly, tủ của các bạn chung phòng nhưng vẫn không tìm lại được tài sản. Suốt một tuần, ngày nào L. cũng soi mói, nói bóng nói gió, trong khi thủ phạm thì ung dung, chỉ tội cho những bạn vô can phải khổ sở âm thầm. Với những bạn con nhà giàu, có điều kiện thì không đáng là bao, nhưng những bạn có hoàn cảnh khó khăn, sống chủ yếu nhờ vào tiền gia đình gửi lên hoặc tự đi làm nuôi sống bản thân thì thật là khổ sở với những mất mát đó. Hy vọng rằng hiện tượng “cầm nhầm” này sẽ không còn tồn tại nữa trong thế giới của những cử nhân tương lai…
Nguyễn Hải Anh
(ĐHKHXH-NV TP.HCM)

Bình luận (0)