Các “giang hồ nhí” thường giả dạng thành người mua hàng vào chợ Lê Hồng Phong để cướp giật |
Khu chợ Lê Hồng Phong, đường Hồ Thị Kỷ, Q.10 và hẻm 68 Hùng Vương đi vào chợ thời gian gần đây trở thành “điểm đen” của tệ nạn. Suốt một tuần qua không ngày nào người dân ở đây không chứng kiến cảnh cướp giật.
Mua nước dừa, mất xe đạp
Hồng Thu (SV Trường ĐHSP TP.HCM) vừa dắt xe ra khỏi chỗ gửi trong chợ Lê Hồng Phong thì bị ba cậu choi choi từ đâu bất ngờ ập tới dùng kéo cắt dây túi xách rồi chạy mất. Ngay lúc đó cô chỉ biết đứng ngây người ú ớ vài câu trong miệng. Khi hoàn hồn thì chiếc túi xách đã bị xử đẹp. “Mất hết sách vở, giấy tờ tùy thân và tiền bạc… tháng này phải sống sao đây?”, Thu nói trong nước mắt. Được biết đây là lần thứ hai Thu bị giật túi xách ở khu chợ này. Lần trước Thu đi làm thêm về, vừa dựng xe quay vào lựa dừa, đến lúc ngoảnh ra, chiếc xe đạp đã không cánh mà bay. Mọi việc chỉ xảy ra trong chớp nhoáng.
Có thể nhận thấy tình trạng mất an ninh của khu vực này thông qua những lời cảnh báo của rất nhiều chủ quán “dựng xe sát vào đây, đứng nép vào trong này rồi hãy lấy tiền ra, giữ lấy ba lô đừng để xuống ghế…”. Người dân sống ở đây, khi thấy ai cầm điện thoại di động hay túi xách là lập tức có người nhắc nhở phải cẩn thận.
Đội lốt người mua hàng để hành nghề
Những tên hành nghề cướp giật tại khu vực này thường la cà các quán nhậu, quán cà phê để quan sát tình hình. Chỉ cần thấy “con mồi ngon”, bọn chúng lập tức bám theo ngay. Theo phản ánh của nhiều người dân, khu vực trước cổng Trường Mầm non Hồ Thị Kỷ và Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ là địa điểm tốt nhất để những tên cướp ra tay vì ở đây khá ít người và xe cộ qua lại. Điều đáng nói là đối tượng gây ra các vụ cướp giật “chuyên nghiệp” này đa phần còn khá trẻ, chỉ khoảng từ 15 đến 17 tuổi. Đội hình của bọn chúng nam nữ lẫn lộn, ăn mặc diêm dúa, đầu tóc nhuộm vàng, nhuộm đỏ. Thường đi thành từng tốp ba hoặc bốn người. Cũng có nhóm đi 6, 7 người, giả làm người mua hàng tại chợ để chen vào lựa đồ cùng khách hàng. Đợi người nào đó mải mê chọn hàng mà có bất kỳ sơ hở nào, chúng liền giật bóp hay tiền rồi bỏ chạy. Những thành phần còn lại trong nhóm lúc đó lập tức giả bộ đuổi theo nhằm mục đích cản đường cho đồng bọn tẩu thoát an toàn.
Chị Nhung, bán trái cây trong chợ Lê Hồng Phong cho biết, “những tay giang hồ nhí” này ít dòm ngó người bán hàng vì ở đây ai cũng quen mặt chúng. Đã có lần chúng giật nhầm của người bán quần áo bị họ chụp tay, chỉ mặt sợ quá bỏ đi một thời gian nhưng chẳng hiểu vì sao bây giờ lại quay về “hành nghề”. Vào đây buôn bán ai cũng phải cẩn thận bởi chỉ cần sơ hở một chút là đồ đạc, tiền bạc sẽ “không cánh mà bay”. Từ các thứ lặt vặt như đồ ăn, bánh trái hay mấy tờ tiền lẻ cho đến những cái lớn hơn như xe đạp, xe máy… đều phải được bảo quản cẩn thận mới còn mà xài. Vừa nói chị vừa hất tay về một nhóm hai gái hai trai đang tấp vào quầy bán đồ cột tóc, vòng tay phía bên kia như ngầm cảnh báo với tôi “bọn nó đấy”.
Sau khi hợp tác thành công, bọn chúng thường tiêu thụ hàng cướp được cho một cửa hàng gần hẻm 68 đường Hùng Vương.
Thảo Nguyên (SV Trường ĐHKHTN TP.HCM) bị giật điện thoại buổi sáng, buổi chiều khi đang trông cửa hàng giúp cho cô mình thì thấy tên cướp vào gạ bán lại điện thoại với giá rẻ. Nguyên nhận ra đó là điện thoại mà mình bị cướp lúc sáng nên vội la lên. Mấy người sửa điện thoại xung quanh đó chạy ùa tới. Sợ quá, tên cướp liều mình bỏ chạy qua đường, để lại chiếc điện thoại chưa kịp chào giá trên mặt tủ.
Bài, ảnh: Quyên Phạm
Bình luận (0)