Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT cho phép các thí sinh được quyền rút hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 khi tự thấy khả năng đỗ của mình ở trường đó không cao.
Quy định này được cho là giúp tăng thêm cơ hội đỗ nhưng lại sẽ ngốn khá nhiều thời gian, công sức của Hội đồng tuyển sinh và thí sinh.
Quyết định mới từ Bộ GD&ĐT đã mang lại hy vọng với nhiều thí sinh.(Ảnh minh hoạ)
Tăng thêm cơ hội đỗ
Ở những mùa tuyển sinh trước, có hàng nghìn thí sinh đủ điều kiện (trên điểm sàn) học tại một trường ĐH, CĐ nhưng vẫn phải ở nhà vò võ ôn thi chờ mong cơ hội đỗ ở năm sau. Trong khi đó, rất nhiều trường lại "khát" sinh viên, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, hoặc mới thành lập. Vì thế, trong Hội nghị Tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp năm 2011, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã nói: "Để tránh "cơm treo mà mèo nhịn đói", Bộ sẽ bổ sung phương án tuyển sinh theo hướng có lợi nhất cho thí sinh".
Mới đây, vào ngày 27/6, Bộ GD&ĐT đã có văn bản cho biết: Từ kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 sẽ cho phép các thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 hoặc nguyện vọng 3. Đây là một quy định được xem là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào của các trường.
Bộ yêu cầu trong thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo quy định, hàng ngày các trường đại học, cao đẳng, học viện, phải thường xuyên cập nhật thông tin về hồ sơ của thí sinh vào máy tính bằng phần mềm tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2011 (DH11) và công bố công khai trên website của trường. Phải công khai tất cả những thông tin như: Hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, số báo danh, đối tượng, khu vực, điểm thi từng môn và tổng điểm 3 môn thi; số thứ tự hồ sơ; mã ngành đăng ký xét tuyển, ngày nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; ngày trả hồ sơ đăng ký xét tuyển (nếu có).
Năm nay thời gian nộp hồ sơ kéo dài hơn năm trước 5 ngày. Cụ thể, đợt 2: từ ngày 25/8/2011 đến 17h ngày 15/9/2011, đợt 3: từ ngày 20/9/2011 đến 17h ngày 10/10/2011. Thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu thời hạn nộp hồ sơ của mỗi đợt đăng ký xét tuyển được quy định trong lịch công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011. Với quy định mới này, Bộ GD&ĐT cho rằng sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh đã trót đăng ký xét tuyển vào trường có điểm đầu vào cao hơn điểm thực tế của mình đồng thời nâng cao mặt bằng điểm trúng tuyển lên cho toàn bộ hệ thống các trường ĐH,CĐ trong toàn quốc.
Khó khăn hơn với Hội đồng tuyển sinh
Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Hà Nội, ông Lê Quốc Hạnh cho biết, có nhiều thí sinh điểm cao nhưng lo lắng chỉ dám đăng ký vào các trường thuộc top dưới. Thậm chí có rất nhiều em, vì muốn chắc chắn được đi học nên chọn một trường có điểm nguyện vọng 1 thấp hơn rất nhiều so với điểm của mình. Nhưng cuối cùng trường đó có quá nhiều thí sinh có điểm cao nộp vào nên cuối cùng vẫn trượt. Với quy định này thì nhiều trường sẽ không bỏ sót thí sinh. Đồng thời cũng tạo ra sự phân top rõ ràng hơn giữa các trường.
Tiến sĩ Trần Ngọc Liêu, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Những mùa tuyển sinh trước có rất nhiều thí sinh đến xin cấp lại phiếu báo điểm. Nguyên nhân do thất lạc đường bưu điện thì cũng có nhưng không thể nhiều như thế. Bởi trong số xin cấp lại ấy có rất nhiều người muốn có thêm cơ hội để được đi học, được đỗ. Họ xin thêm giấy để tăng cao độ an toàn. Quy định này đã đáp ứng được nhu cầu chính đáng ấy của học sinh”.
Tuy nhiên nhiều người lại cho rằng: Quy định này giúp tăng thêm cơ hội cho thí sinh nhưng lại đẩy khó khăn chồng chất về phía các Hội đồng tuyển sinh. Hầu hết các trường đều "kêu" vì khối lượng công việc trong mùa tuyển sinh sẽ tăng lên gấp bội.
Tiến sĩ Trần Văn Vệ, Phó phòng đào tạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên chia sẻ: "Các hội đồng tuyển sinh đồng tình với ý kiến của Bộ, làm đến đâu thì tháo gỡ đến đó miễn sao thuận lợi và tốt nhất cho các thí sinh là được. Tuy nhiên, phải công nhận một thực tế công việc của các Hội đồng tuyển sinh sẽ tăng lên rất nhiều. Các Hội đồng không chỉ cập nhật thông tin một cách thường xuyên mà còn phải liên tục nhận hồ sơ, làm thủ tục cho thí sinh rút hồ sơ ra. Như vậy, Hội đồng tuyển sinh sẽ phải làm việc rất vất vả”.
Đồng quan điểm với ông Vệ, ông Nguyễn Tuấn Anh, phó phòng đào tạo trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết: "Để như cũ (không cho rút hồ sơ) thì tốt hơn vì các trường sẽ đỡ vất vả. Trường tôi không nhiều nguyện vọng 2 nên việc đó không phải lo lắng nhiều. Nhưng với những trường xét tuyển nhiều nguyện vọng 2 thì công việc không hề đơn giản. Thí sinh rút đi rút lại nhiều lần, thậm chí có người rút rồi lại nộp lại. Nếu như những năm trước chỉ nộp đồng loạt vào một số ngày thì nay nó rải rác và biến động thường xuyên. Việc tuyển sinh trở thành một việc rất nặng nề và cuốn vào đó rất nhiều nhân lực cũng như thời gian".
Thí sinh sẽ tốn thời gian và tiền bạc hơn
Tuy có thêm cơ hội nhưng khá nhiều người lo ngại công việc này sẽ kéo theo việc thí sinh phải tốn khá nhiều thời gian, công sức tiền bạc. Tiến sĩ Trần Văn Vệ chia sẻ: "Thí sinh rút hồ sơ phải rút trực tiếp vì Hội đồng tuyển sinh không thể gửi cho thí sinh qua đường bưu điện được. Bên cạnh đó, thí sinh cần phải ký xác nhận đã rút hồ sơ ra khỏi trường đó. Điều này đảm bảo cho thí sinh nhưng cũng để đảm bảo an toàn cho các hội đồng tuyển sinh. Tránh sai sót nhầm lẫn cũng như những hậu quả không tốt để lại.
Nếu thí sinh ở Hà Nội thì việc rút hồ sơ, cũng như nộp hồ sơ ở nơi tiếp theo không quá khó khăn. Nhưng với những thí sinh ở xa như các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Thanh Hoá… Việc đi lại để rút ở trường này rồi lại nộp hồ sơ ở một trường khác là việc làm khá tốn thời gian, công sức và tiền bạc".
Ngoài những khó khăn trên, ông Vệ cũng cho biết thêm: "Tờ giấy chứng nhận kết quả thi là một tờ A4. Trong tờ giấy ấy chỉ có hai dòng, một dòng ghi thông tin và địa chỉ liên hệ thì dù có nộp nhiều trường cũng không phải thay đổi. Nhưng còn một khoảng trống rất nhỏ để các em ghi tên trường, mã ngành nguyện vọng 2. Nếu rút ra nhiều lần thì phải chữa nhiều lần để nộp các Hội đồng khác nhau. Như vậy các Hội đồng sau sẽ phải nhận bao nhiêu lớp chữ đè lên. Điều này Bộ cần lưu ý thêm để có phương án cho hợp lý".
Theo Thành Huế
(Nguoiduatin.vn)
Bình luận (0)