Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi “3 chung” và “1 riêng”

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp sau quan điểm thi ĐH nhiều môn, PGS Lê Đức Ngọc – giám đốc Trung tâm Kiểm định, đo lường và đánh giá chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập) – đề xuất một phương thức tổ chức thi rất cụ thể.
“Tôi cho rằng thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng số một ở nước ta hiện nay, vì kỳ thi này không chỉ để đánh giá trình độ học vấn tối thiểu cho người lao động cần có trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn có thể dùng để tuyển chọn đào tạo nghề sau trung học cho các bậc học: TCCN, CĐ và ĐH.
Ông Lê Đức Ngọc – Ảnh tư liệu
Vì hai lý do trên, kỳ thi này phải mang tính chuẩn hóa và thống nhất toàn quốc để đảm bảo có một thang đo thống nhất phản ánh chính xác, khách quan chất lượng của từng cơ sở giáo dục. Trong khi đó, việc tuyển chọn để đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nếu tỉ lệ “chọi” cao thì cần phải thi, còn ngược lại thì không cần thi.
Bối cảnh hiện nay ở nước ta so với năm 2000 – khi chúng tôi đề xuất “ba chung” (chung đợt, chung đề và chung điểm sàn tuyển sinh) – đã thay đổi căn bản. “Ba chung” như đã triển khai không còn phù hợp nữa với các lý do sau:
Một là do nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội, quy mô đào tạo nghề mở rộng, chưa kể những người chưa có nghề, hằng năm có trên 1 triệu người tốt nghiệp THPT cần được đào tạo nghề từ trung cấp, CĐ đến ĐH.
Hai là cơ sở đào tạo đa dạng và phát triển về số lượng: ngoài các trường (ĐH, CĐ, TCCN…) công lập, các trường tư thục đang phát triển đến độ phải giao cho các sở giáo dục – đào tạo tham gia quản lý.
Ba là tổ chức đào tạo nhiều loại hình: chính quy, vừa làm vừa học, từ xa, bồi dưỡng… tất cả đều cần tuyển đầu vào chủ yếu từ những người tốt nghiệp THPT. Thực tế vài năm gần đây đã xuất hiện nhiều cơ sở đào tạo đã không tuyển đủ chỉ tiêu được giao hằng năm, điều đó chứng tỏ không cần thiết có cuộc thi tuyển sinh cho các cơ sở này mà chỉ cần lấy kết quả đánh giá trình độ học vấn THPT để xét tuyển là đủ.
Với bối cảnh trên, chúng tôi cho rằng đã đến lúc có thể triển khai đề án “Đánh giá trình độ học vấn phổ thông để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT” do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục – đào tạo đưa ra từ 2008. Tuy nhiên, chúng tôi muốn bổ sung, hoàn thiện đề án đó để nâng cao tính khả thi và giá trị của đề án trên quan điểm “đánh giá trình độ học vấn phổ thông để tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT”.
Chúng ta phải thừa nhận “ba chung” vừa qua là một bước đổi mới mang lại sự ổn định tương đối trong thi tuyển sinh ở nước ta. Vì thế khi có chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh hoàn toàn cho các cơ sở đào tạo, phần lớn các cơ sở này cho rằng chỉ cần cải tiến chứ đừng bỏ “ba chung”. Vì vậy chúng tôi đề xuất tiến hành “ba chung” và “một riêng” cho cuộc thi “Đánh giá trình độ học vấn THPT” để xét tốt nghiệp THPT và để làm tiêu chuẩn tối thiểu cho tuyển sinh đào tạo sau THPT. Cụ thể như sau:
1. Chung đề: vì là cuộc thi đánh giá trình độ học vấn nên phải thi nhiều môn, nhưng cần ghép lại thành năm bài thi: toán (90 phút) hệ số 2, ngữ văn (90 phút) hệ số 2, ngoại ngữ (45 phút) hệ số 1, lý – hóa – sinh (135 phút) hệ số 3, sử – địa (90 phút) hệ số 2. Định hướng năm bài thi này hoàn toàn phù hợp với xu thế giáo dục tích hợp trong giáo dục phổ thông trên thế giới: tích hợp lý – hóa – sinh thành môn khoa học và sử – địa thành môn xã hội.
2. Chung đợt: mỗi đợt ba ngày thi gồm sáu buổi (một buổi thủ tục, năm buổi làm năm  bài thi). Mỗi thí sinh có một đề thi trắc nghiệm riêng. Chấm bằng máy. Công bố điểm đến từng thí sinh và công bố chung trên mạng (xem chi tiết bảng 1).
3. Chung điểm sàn tốt nghiệp THPT: từ 250 điểm trở lên là tốt nghiệp (ngoài ra cần có chính sách cộng điểm theo vùng miền và diện chính sách).
4. Và “một riêng” cho tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT: Căn cứ vào ba tiêu chí: chỉ tiêu được giao, kết quả của các bài thi chung, chính sách chung về cộng điểm theo vùng miền và điểm thi tuyển năng khiếu tùy theo ngành nghề khi cần thiết, cơ sở đào tạo sẽ tự xây dựng điểm chuẩn (xem bảng 2) để tuyển sinh chung hay cho từng ngành của cơ sở đào tạo.
Trừ toán và ngữ văn điểm tối đa là 100, mỗi môn lý, hóa, sinh, sử và địa tuy thi chung bài nhưng mỗi môn đều có điểm tối đa là 50, kể cả ngoại ngữ. Từ đó có thể tổ hợp thành các điểm xét tuyển khác nhau có điểm tối đa là 250, phù hợp với yêu cầu tuyển sinh cho các ngành nghề khác nhau. Trong trường hợp này, những thí sinh muốn thi tuyển lại chỉ cần tham gia thi các môn theo phương án xây dựng điểm chuẩn đã công bố của cơ sở đào tạo mà thí sinh dự tính xin xét tuyển.
Phương án cải tiến “ba chung” như trên sẽ đạt được các mục tiêu sau đây:
Một là đảm bảo một thang đo trình độ học vấn THPT quốc gia tối thiểu có tính đến các yếu tố vùng miền. Góp phần đảm bảo không có xáo trộn về phân ban và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục THPT.
Hai là đảm bảo công bằng về cơ hội, khách quan về đánh giá trình độ học vấn trong tuyển chọn cho giáo dục – đào tạo sau trung học.
Ba là đảm bảo phù hợp với bối cảnh hiện nay: giảm thiểu tiêu cực, phù hợp với điều kiện hiện hành, từng bước hoàn thiện phương án, không tạo nên xáo trộn sau mỗi giai đoạn phát triển… Cuối cùng là đảm bảo sự đồng thuận của các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đào tạo sau trung học, từ người học đến dư luận xã hội…”.
Theo Thanh Hà 
 (TTO) 

Bình luận (0)