Hiện nay, đối tượng lừa đảo trong xã hội và nhất là địa bàn TP.HCM ngày càng nhiều với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Không ít người dù rất “già dặn” trong cách va chạm với đời sống nhưng vẫn bị rơi vào những tình huống “dở khóc, dở cười”. Ngày 20-2, tôi đang lưu thông trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) bằng xe máy thì có một người đàn ông trung niên đi bên cạnh, dáng vẻ rất lịch sự, trí thức kêu mất tiền. Tôi không quan tâm lắm nên vẫn đi bình thường và vượt lên trước ông ta. Được một đoạn đường thì bỗng có một người đàn ông khác, trông là dân lao động chạy theo hỏi tôi có bị mất tiền không. Ông ta nói mình mới nhặt được một ví tiền và đề nghị tôi dừng xe kiểm tra lại. Thấy vậy, tôi cũng dừng xe kiểm tra và thấy không mất mát gì. Sực nhớ ra người đàn ông kêu mất tiền lúc nãy (tạm gọi là A), tôi quay xe lại gọi ông ta đến chỗ người đàn ông nhặt được ví tiền (tạm gọi là B). Khi bàn giao ông A cho ông B xong, tôi định bỏ đi thì ông B đề nghị tôi ở lại làm chứng. Lúc này, ông B. mới móc ví tiền ra, trong đó có hai miếng vàng. Ông A xác nhận đó là ví tiền của mình, xin được nhận lại với một khoản tiền chuộc do ông B yêu cầu. Ông A. cũng cho biết hai miếng vàng đó tương đương với 20 cây vàng. Nghe vậy, ông B liền đòi tiền chuộc là 20 triệu đồng và quay sang trao đổi với tôi “Chiếc ví này là do chú nhặt được và cháu là người có công gọi người chủ của nó trở lại. Do đó, số tiền chuộc chú cháu mình sẽ chia đôi”. Tôi còn đang bối rối chưa biết làm sao thì hai ông lại đôi co với nhau. Ông A cho biết trong ví của mình chỉ có 7 triệu đồng tiền mặt, nếu muốn nhận đủ 20 triệu, ông B phải theo ông A về nhà để lấy. Tôi và ông B chạy theo ông A đến một con hẻm nhỏ gần đó thì ông B đề nghị dừng lại vì cho rằng, nếu vào nhà ông A hẳn ông sẽ bị vu khống sang một tội danh khác. Đến lúc này, tôi mới sực tỉnh vì tình huống quá phức tạp, bản thân tôi cũng không muốn nhận tiền không phải của mình. Tôi khuyên ông B nên nhận khoản tiền 7 triệu kia và giải quyết sự việc nhanh chóng để tôi còn về. Thế nhưng, ông B lại tỏ ra không đồng tình với cách giải quyết đó nên đề nghị tôi tạo điều kiện cho ông ta để có thêm chút tiền nuôi gia đình. Ông A nói với tôi “Thôi giờ cháu không lấy tiền cũng được. Nhưng hai chú nhờ cháu mang vàng đến một tiệm cách đây mấy chục mét để đổi. Để làm tin, cháu để xe máy và ba lô ở lại” (ba lô của tôi có đựng laptop). Thấy tôi có vẻ không đồng ý với ý định đó thì ông B tiếp lời “Chú cần người làm chứng để sau này không xảy ra kiện cáo gì. Hai chú sẽ chờ tới lúc cháu quay lại. Cháu cũng nên cầm chìa khóa xe của chú để cho yên tâm”. Tập hợp nhiều dữ kiện xảy ra, tôi biết mình đã rơi vào chiêu lừa đảo mới. Nhân lúc hai ông không để ý, tôi phóng xe nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm. Tuy không mất mát gì sau vụ việc nói trên nhưng nó cũng cho tôi bài học cảnh báo về một thủ đoạn mới trong các chiêu lừa đảo. Nếu lúc đó tôi có lòng tham, cầm số vàng đó đi đổi thì chưa chắc nó là vàng thật, chiếc chìa khóa xe mà ông B đưa cho tôi để làm tin biết đâu sẽ còn một vài cái dự phòng ông ta đã cắt sẵn. Và hậu quả sau đó không nói ra chắc các bạn cũng biết, tài sản của tôi sẽ không cánh mà bay cùng hai người đàn ông không rõ danh tính trong con hẻm ngoằn ngoèo.
Tường Vy (TP.HCM)
Bình luận (0)