Tòa soạnThư đi – tin lại

Cảm ơn những bữa cơm chay

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Trước đây, khi còn là một học sinh THPT, qua báo chí, tôi được biết cố NS Lê Vũ Cầu đã bán hai miếng đất lấy tiền mở quán cơm chay miễn phí (40 Đặng Văn Bi, Q.Thủ Đức, TP.HCM) phục vụ những người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo, nhưng đông nhất lại là dân bán vé số, lòng tôi vô cùng cảm kích. Không ngờ bây giờ, khi trở thành sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, tôi lại được thưởng thức những bữa cơm chay miễn phí giống như của quán cố NS Lê Vũ Cầu ngày nào. Đây là những bữa cơm chay đầy nghĩa tình của chùa Phước Tường (số 102, KP.7, P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9 – TP.HCM) dành cho rất nhiều sinh viên và người lao động nghèo. Chùa Phước Tường nằm trên địa bàn có rất nhiều trường ĐH, CĐ như: Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường CĐ Tài chính Hải quan… trú đóng nên không chỉ riêng tôi mà rất nhiều sinh viên đến chùa để dùng cơm chay. Là sinh viên ở tỉnh lên TP.HCM học, hằng tháng tốn rất nhiều chi phí, gia đình tôi lại khó khăn nên được ăn cơm chay miễn phí tại chùa, tôi tiết kiệm chi tiêu rất nhiều. Khẩu phần ăn ở đây phong phú nên rất ngon miệng. Dù bận rộn với việc học tập, làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nhưng cảm nhận được công việc đầy ý nghĩa này của nhà chùa và nhiều phật tử nên tôi cùng nhiều sinh viên khác rảnh rỗi là đến đây để phụ giúp làm cơm chay. Các bạn nữ thì phụ xắt rau, rửa chén; các bạn nam chẻ củi, mang thức ăn ra bàn cho khách. Chúng tôi rất vui khi được làm công việc này. Nhờ đến chùa thường xuyên, tôi cũng kết thân được với nhiều anh chị, cô chú chạy xe ôm, bán vé số dạo… những người có cùng hoàn cảnh nghèo giúp cho tôi thêm nhiều nghị lực để vượt qua khó khăn, sống và học tập thật tốt. Tôi được biết, chùa đã tổ chức bữa cơm chay từ thiện từ năm 1994 đến nay. Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn vì đa số phật tử chưa quen với công việc nhưng dần dần đã quen việc, ai cũng rất nhiệt tình để cho bữa cơm chay của chùa ngày càng phong phú, hấp dẫn. Tháng giêng này, chùa phục vụ nguyên cả tháng mỗi ngày 3 bữa ăn. Khách đến đây dùng cơm chay rất đông, có ngày lên đến hơn 2.000 người. Người Sài Gòn nói riêng và người phương Nam nói chung vốn bộc trực, hào phóng, giàu lòng nhân ái. Đó là tính cách đặc trưng đã có từ bao đời và vẫn đang tiếp tục được lưu giữ, phát triển. Chính những cư dân từ phương xa đến đã thốt lên rằng: “Ở Sài Gòn, hết tiền cũng không lo bị đói” nhờ những bữa cơm nhân ái như thế. Còn bản thân tôi, sẽ không bao giờ quên những bát cơm nghĩa tình ấy trong quãng đời sinh viên của mình.
Nguyễn Văn Quang
(SV năm II Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM)

Bình luận (0)