Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

8 điểm đậu đại học, học gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc đua tìm kiếm một chỗ ngồi trong giảng đường các trường ĐH,CĐ qua ngõ nguyện vọng 2 (NV2) đang đến hồi hết sức quyết liệt. Song song đó còn có một cuộc đua khác khi các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng đang tung nhiều chiêu, thậm chí với những hình thức “khuyến mãi” phản giáo dục để tìm kiếm sinh viên.

Chưa bao giờ giáo dục ĐH Việt Nam bị phân cấp dữ dội như hiện tại. Có thể dễ dàng thấy rõ một hình chóp của sự phân lập giữa các nhóm trường. Với các trường ĐH công lập, top hạng nhất có những trường như ĐH y dược, kiến trúc, bách khoa (một số ngành) có điểm chuẩn trên 25; top tiếp theo thuộc các trường từ 20-25 điểm; top trung bình 14-20 điểm. Phân lập dữ dội nhất là các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, khi tuyệt đại đa số phải lấy điểm sàn làm điểm chuẩn để tuyển sinh.
Giáo dục ĐH Việt Nam đang trên đường xã hội hóa. Tiến trình đó đã diễn ra một cách ồ ạt, đến hôm nay đã có hơn 376 trường ĐH,CĐ, trong đó có đến 146 ĐH ngoài công lập, 30 trường CĐ ngoài công lập. Nhiều trường trung cấp, CĐ đã được “hóa kiếp” để tiến thẳng lên ĐH bất chấp đội ngũ giảng viên èo uột; nhiều trường ĐH dân lập cơ sở chắp vá, bộ khung giảng viên chỉ đủ “làm kiểng” vẫn tuyển sinh hàng ngàn sinh viên. Điều đáng nói là tuyệt đại đa số các trường ĐH ngoài công lập mở những ngành nghề ít đầu tư như ngoại ngữ, khoa học xã hội, kinh tế – tài chính, quản trị kinh doanh, môi trường…Các trường ĐH ngoài công lập “sợ” các ngành kỹ thuật vì phải đầu tư tốn kém, lợi nhuận thấp hoặc âm. Sự mất cân đối đó ảnh hưởng lớn đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Xu hướng vị lợi nhuận đang lấn át tuyệt đối ở các trường ĐH,CĐ ngoài công lập. Cũng chính xu hướng này đang góp phần lớn “giết chết” các trường ngoài công lập khi họ đặt lợi nhuận lên trên chất lượng đào tạo. Còn nhớ, khi phong trào xã hội hóa giáo dục ĐH mới bắt đầu, một số trường ĐH ngoài công lập lúc ấy cũng gầy dựng được uy tín, nhưng càng về sau xu hướng lợi nhuận lấn át chất lượng đào tạo.
Hệ quả, cho đến hôm nay nhiều trường ĐH,CĐ ngoài công lập tuyển sinh rất khó khăn. Một số trường ĐH ngoài công lập ở các địa phương còn lợi dụng điều 33 của Quy chế tuyển sinh để xét tuyển NV2, NV3 (đối với thí sinh đào tạo theo địa chỉ), vô hình trung là một kẽ hở để các trường hạ điểm sàn! Cụ thể như trường ĐH Lạc Hồng chỉ cần 8 hoặc 9 điểm cũng trúng tuyển ĐH (tính ra mỗi môn thi thí sinh chỉ cần đạt trên dưới 3 điểm!); trường ĐH Phan Thiết có đối tượng chỉ cần 8 điểm cũng đỗ ĐH, 5 điểm cũng đỗ hệ CĐ! Một lãnh đạo ĐH Phan Thiết tuyến bố rằng đó là tin vui với thí sinh!   
Chưa hết, một số trường còn tung chiêu phản giáo dục để dụ thí sinh, bằng cách “tặng tiền” cho thí sinh, giảm học phí, thậm chí “tặng tiền” cho người môi giới lôi kéo được thí sinh vào học, như trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa), trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai)…
Với điểm chuẩn tuyển vào các trường ĐH,CĐ ngoài công lập thấp như vậy, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực sẽ ra sao, khi mà cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của những trường đó cũng chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy?
Thực chất, chất lượng  lượng tuyển sinh ở các trường ĐH,CĐ ngoài công lập đã phản ánh đúng tình trạng xã hội hóa giáo dục ĐH ở nước ta. Đó là xu hướng vị lợi nhuận đang lấn át. Đẩy chất lượng đào tạo đi xuống. Thực trạng đó đã được nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo nhưng đồng tiền bao giờ cũng có sức mạnh khó cưỡng…
Theo Hồ Tuấn
(baodatviet)

Bình luận (0)