Tòa soạnThư đi – tin lại

“Đường… mượn áo”

Tạp Chí Giáo Dục

Nước lên, chiếc cầu cây bị ngập sâu nên phụ huynh phải đưa con đến trường bằng đò
Đó là con đường đến trường của học sinh thuộc xóm Gò Rạch Rắn, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Qua sông thì phải “lụy” cầu
Chúng tôi trở lại xóm lao động nghèo Gò Rạch Rắn vào một ngày đầu tháng 3. Con đường dẫn vào xóm không chút đổi thay, nhiều chỗ có dấu hiệu sạt lở nặng. Và bao năm nay, mong ước có một chiếc cầu bê tông bắc qua rạch Cống Lớn để việc đi lại thuận tiện hơn của bà con vẫn còn trĩu nặng. Từ xóm Gò Rạch Rắn đến trường không còn con đường nào khác ngoài chiếc cầu cây sơ sài. Những ngày con nước lên, chiếc cầu này bị ngập sâu và phương tiện đi lại đều trông chờ vào chiếc xuồng. Điều mà chúng tôi lấy làm thắc mắc là con rạch rộng chỉ khoảng 30 mét nhưng một chiếc cầu bê tông mà rất nhiều lớp học trò nơi đây mong đợi vẫn chưa thành hiện thực.
Không phải ngẫu nhiên mà người dân lại gọi đường đến trường ở đây là “con đường mượn áo”. Bởi, hầu hết học sinh đi học đều phải mang theo quần áo để dự phòng nếu không may bị trượt chân té ngã. Hơn nữa, người dân thấy lũ trẻ bê bết bùn đất thì mang quần áo của con, cháu mình cho các em mượn đỡ. Bà Nguyễn Thị Thanh, phụ huynh có con đang học lớp 1 và lớp 3 của Trường Tiểu học Phong Phú ngao ngán: “Có chiếc cầu cây nhưng chẳng có chút gì gọi là an toàn cả. Hôm nước lên thì cầu ngập sâu phải đi lại bằng đò. Khi nước rút đò không đi được thì mới sử dụng cầu. Nhưng ngặt nỗi, do cây bị ngập, bùn đất gây trơn trợt. Tụi nhỏ đi, về có ngày nào mà không lấm lem bùn đất”. Ông Nguyễn Tú, 70 tuổi từ nhiều năm nay tình nguyện đưa đò chở học sinh trong xóm qua con rạch để đến trường. Ban đầu, chiếc xuồng nhỏ của gia đình chỉ để phục vụ đưa đón các con và người nhà đi làm. Chứng kiến cảnh các cháu nhỏ qua cầu trượt chân té, ngập sâu dưới sình nên ông tình nguyện làm công việc này mà không lấy bất kỳ một đồng xu nào. Ông Tú kể: “Năm ngoái trong xóm Gò Rạch Rắn có một đứa con gái bị té xuống rạch. Cháu cố vùng vẫy thì càng ngập ngụa trong bùn. Các bạn đi cùng cũng chỉ biết kêu cứu chứ không thể kéo bạn lên. Khi tôi lội ra đến nơi thì bùn đã sắp tràn vào miệng con bé”.
Mặc dù ở địa phương có người kinh doanh đưa đò nhưng do chủ quan, sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng nên trên những chiếc đò chất chứa bao nỗi bất trắc…”.
Cám cảnh không cầu
Cũng cùng chung ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè nhưng có một số hộ dân lại sống bên kia con rạch. Do không có cầu nên người dân địa phương cũng đã trang bị phà loại nhỏ để đưa đón học sinh miễn phí. Nhưng những hôm nước rút, phà không vào bến được nên các em phải lội bùn hơn 20 mét mới lên được đò. Điều đáng nói, các trường từ mầm non đến THPT trong xã đều tập trung ở ấp 3 (tức bên này con rạch) nên việc đi lại của con em rất bất tiện. Chị Nguyễn Thu Dung, nhà ở bên kia con rạch nói: “Nhà chỉ cách trường hơn 1km nhưng vì không có điều kiện đưa đón nên phải cho các cháu sang nhà bà con ở, cuối tuần mới về”. Dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng bà Tám, nhà ở đầu bến phà ấp 3, xã Phước Lộc thuộc nằm lòng lai lịch của từng cháu ở bên kia bến phà.Bà Tám nói: “Tụi nó ngày nào chẳng vô đây xin nước rửa chân, giặt quần áo nữa”. Thương lũ trẻ, bà sai người con gái mua một bồn nước loại 500 lít đặt trước sân nhà để dành cho các cháu dùng khi nhà bà khóa cửa.
Bài, ảnh: Tuy An

Bình luận (0)