Theo như thông báo của nhiều trường đại học thì năm nay số chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 tăng nhiều, và cũng có nhiều trường đại học lớn tham gia. ước tính, sẽ có khoảng trên 35.000 chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 đại học, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 đại học cũng không nhỏ tính từ điểm sàn trúng tuyển đại học trở lên. Việc lên phương án xét tuyển nguyện vọng 2 của các trường này hoàn toàn do tính toán từ thực tế thi và thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường mình. Chỉ tiêu rộng cửa đồng nghĩa với việc phải tính toán cho chính xác của thí sinh càng khó hơn. Làm thế nào để chính xác điểm của mình có thể vào nguyện vọng 2 ở trường nào, ngành nào quả là không dễ vì ai cũng muốn vào những trường, những ngành không được “hot” nhất thì cũng phải tương đối “hot”.
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh – Trưởng ban công tác HS-SV Đại học Quốc gia Hà Nội đã sớm có lời gửi tới các thí sinh có ý định đăng ký nguyện vọng 2 vào các đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội: Với gần 1.500 chỉ tiêu nguyện vọng 2 (tương ứng với 25% chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội) cho các trường là cơ hội lớn cho các thí sinh. Nhưng các bạn cũng cần biết rằng chỉ tiêu này là tạo thêm cơ hội cho những thí sinh khá, giỏi không may trượt nguyện vọng 1. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn nâng cao chất lượng đầu vào hơn nữa trong việc tuyển chọn những thí sinh này. Thế nên các bạn cần phải cân nhắc rất kỹ điểm thế nào, đăng ký vào đâu để có khả năng trúng tuyển cao nhất. Sẽ là rất khó cho những ai có điểm thi không cao nhưng lại đăng ký vào những ngành học có nhiều người đăng ký.
Thực tế tuyển nguyện vọng 2 những năm qua cho thấy, thường là nhiều sinh đăng ký vào cùng một ngành, việc này đồng phải chấp nhận là khả năng cạnh tranh cao hơn. Theo như nguyên tắc xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 của Bộ GD&ĐT quy định là thí sinh phải có cùng khối thi, đúng vùng tuyển quy định của trường và từ điểm cao trở xuống cho đến đủ chỉ tiêu. Chính vì vậy khi đăng ký, thí sinh cần lưu ý mức điểm chuẩn mà các trường thông báo nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 chỉ là mức điểm chuẩn sàn chứ không phải là mức điểm chuẩn “cứng” mà tất cả thí sinh đạt được mức điểm này đều sẽ đỗ vào trường. Do vậy thí sinh phải tính toán kỹ, kết quả thi của mình phải cao hơn mức điểm chuẩn mà trường thông báo thế nào để có nhiều hơn cơ hội trúng tuyển. Thực tế cho thấy không ít thí sinh “tính sai” nên cho dù điểm thi cao hơn điểm chuẩn tới 5 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển, vì chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 của trường đó quá ít, do có quá nhiều người đăng ký nên việc hơn 5 điểm so với điểm chuẩn nguyện vọng 2 vào trường mà vẫn trượt cũng là điều dễ hiểu.
Với điểm thi như của năm nay, ở các khối C và D có 18.000 thí sinh điểm trên sàn với 4.300 chỉ tiêu, tỷ lệ là 1/4,2; ở khối A còn đến 30.000 chỉ tiêu cho NV2 cho gần 90.000 thí sinh có điểm trên sàn, tỷ lệ chỉ 1/2,7. Còn với khối B, có đến gần 120.000 thí sinh đạt trên điểm sàn nhưng chỉ tiêu dành cho NV2 ở khối thi này chỉ có 2.200, như vậy là tỷ lệ chọi cho nguyện vọng 2 của khối B là 1/54,5. Các thí sinh khối B được coi là trong diện khó tìm được trường, ngành học phù hợp với sở thích ở NV2. ở trường Đại học Y Hà Nội, mức điểm trúng tuyển vào các ngành từ 22 điểm đến 28,5 điểm nên mặc dù rất nhiều thí sinh có điểm thi đạt đến 28 điểm sẽ vẫn phải tìm đến NV2. Còn trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), với điểm trúng tuyển thấp nhất là 22 điểm và cao nhất là 26 điểm ở các ngành khối B cũng cao hơn các nhiều so với khối khác cùng trường. Hiện tại NV2 ở Đại học Khoa học tự nhiên chỉ còn duy nhất ngành Khoa học đất (Thổ nhưỡng) nhưng cũng chỉ còn đúng… 10 chỉ tiêu cho NV2 với mức điểm xét tuyển là 22 điểm. Với các trường đại học ở khu vực Tp.HCM như Đại học Y Dược, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Nông lâm… cũng có đến 30.000 thí sinh khối B đạt 17 điểm trở lên đã trượt NV1. Trong khi đó, có quá ít chỉ tiêu ở NV2 cho khối thi này. Đại học Nông Lâm Tp.HCM chỉ xét tuyển 70 chỉ tiêu NV2 vào 3 ngành Lâm nghiệp, Nông lâm kết hợp, Ngư y. Đại học Sài Gòn chỉ tuyển NV2 vào ngành Sư phạm sinh học với 15 chỉ tiêu, Đại học Cần Thơ tuyển 43 chỉ tiêu vào ngành Chăn nuôi, Đại học Tây Nguyên chỉ có khoảng 100 chỉ tiêu NV2 cho 5 ngành thuộc khối B, và Đại học An Giang cũng chỉ dành 70 chỉ tiêu cho 4 ngành: Chăn nuôi, Trồng trọt, Phát triển nông thôn và Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp…
Làm thế nào để chắc chắn trúng NV2, thí sinh cần phải cân nhắc kỹ khi chọn đăng ký nguyện vọng 2 cho mình. Các trường sẽ xét tuyển NV2 theo nguyên tắc từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu, chứ không phải cứ nộp hồ sơ sớm thì cơ hội sẽ nhiều hơn. Khi nộp hồ sơ thí sinh cần phải tính với những trường công lập, lượng hồ sơ nhiều thì điểm chuẩn trúng tuyển NV2 sẽ cao hơn điểm sàn xét tuyển. Để chắc chắn thí sinh cần phải có điểm thi cao hơn điểm sàn xét tuyển từ 3-4 điểm. Còn với những trường ngoài công lập, do số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ít hơn chỉ tiêu thì điểm chuẩn sẽ bằng với điểm sàn. Tất nhiên chọn trường nào, ngành nào cho chắc chắn – điều này hoàn toàn phụ thuộc vào phán đoán của thí sinh. Thực ra cơ hội cho NV2 của thí sinh còn không ít, đây là năm đầu tiên nhiều trường đại học có xét tuyển thêm khối B vào các ngành lâu nay chỉ tuyển khối A, D, còn với các trường dân lập điểm xét tuyển chỉ tương đương điểm sàn. Có thể nói với những thí sinh điểm thi khối B cao thì việc tìm một trường cho NV 2 hoàn toàn không khó khăn. Còn với những thí sinh có điểm thi thuộc loại trung bình khá thì việc lựa chọn trường, ngành học cho phù hợp là quan trọng. Và thí sinh nên dựa vào con số thống kê chính thức về chỉ tiêu xét tuyển NV2 của các trường trong cả nước do Bộ GD&ĐT công bố để quyết định NV2 cho mình.
Những điều nên biết khi nộp hồ sơ dự tuyển NV2 Theo quy chế tuyển sinh, nếu TS không trúng tuyển NV1, không có môn nào bị điểm 0, nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn đại học (hoặc điểm sàn cao đẳng) thì được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi (GCNKQT) số 1 có đóng dấu đỏ (để được tham gia xét tuyển NV2) và 1 GCNKQT số 2 (để xét tuyển NV3) vào các trường ĐH-CĐ cùng khối thi, trong vùng tuyển. GCNKQT chỉ được cấp một lần và giấy này cũng chính là “đơn” xét tuyển, thí sinh không được dùng bản photocopy GCNKQT. Vì vậy, rõ ràng với mỗi NV, thí sinh chỉ có một lần để quyết định chọn lựa. Thí sinh muốn nộp hồ sơ xét tuyển NV2 thì cần những giấy tờ sau: – Giấy chứng nhận điểm thi đã ghi đầy đủ thông tin có dấu đỏ của trường dự thi trước đó. – 01 phong bì có dán sẵn tem và địa chỉ rõ ràng để nhà trường thông báo kết quả xét tuyển. Tất cả những giấy tờ này cho vào một phong bì và gửi chuyển phát nhanh đến trường thí sinh muốn tham gia xét tuyển trong thời hạn từ ngày 25/8-10/9. Các trường hợp không được xét tuyển NV2 (hoặc NV3 sau này) là: 1/ Thí sinh đã trúng tuyển NV1; 2/ Thí sinh có kết quả thi đại học thấp hơn điểm sàn cao đẳng (A, D: 10 điểm; B: 12 và C: 11). Đối với 2 trường hợp này, thí sinh không được nhận GCNKQT số 1 (và số 2) nên không đủ điều kiện tối thiểu để xin xét NV2. Cần phân biệt điểm sàn áp dụng chung cho tất cả các trường ĐH-CĐ cả nước do Hội đồng xét duyệt điểm sàn của Bộ GD&ĐT quyết định với điểm xét tuyển NV2 vào từng trường (có trường còn gọi là “điểm sàn NV2 của trường, của ngành cụ thể”), đây là điểm tối thiểu để thí sinh được nộp đơn xét tuyển chứ không phải nộp vào là trúng tuyển vì điểm trúng tuyển NV2 được gọi là “điểm chuẩn NV2”. Cần ghi thật cẩn thận, đầy đủ và chính xác các chi tiết: tên trường tham gia xét tuyển NV2, mã trường, đăng ký học đại học hay cao đẳng, tên khoa hoặc ngành học (kèm theo mã ngành), địa chỉ liên hệ; nên kèm theo số điện thoại (nếu có). Tránh phạm các sai sót như: nộp hồ sơ vào cả những ngành không xét tuyển NV2 hoặc không đúng vùng tuyển, đăng ký tên trường mà không đăng ký tên ngành, dùng GCNKQT số 2 để nộp xét tuyển NV2 (lý ra phải dùng GCNKQT số 1), nộp đơn vào trường A nhưng ngoài bì thư lại đề địa chỉ nơi đến là trường B. Bộ GD&ĐT quy định TS phải nộp hồ sơ và lệ phí xét tuyển NV2 (15.000 đồng) bằng bưu điện phát chuyển nhanh, từ 25.8 đến trước giờ giao dịch thông lệ của bưu điện (17 giờ) ngày 10.9.2008, chú ý giữ lại biên nhận có đóng dấu giờ gửi đi để có thể khiếu nại, xin xét tuyển bổ sung khi hồ sơ bị thất lạc. |
Bạch Ngọc Dư (gdtd.com.vn)
Bình luận (0)