Sinh viên – học sinh thường tìm đến công viên để “gạo bài” hoặc giải lao, hóng mát nhằm tìm lại sự thư thái cho tâm hồn sau những giờ học tập căng thẳng. Nhưng việc gửi xe ở những nơi này quả là một cực hình. Công viên 30-4, nằm ngay giữa lòng thành phố mà không hề có bãi gửi xe. Thường thì ai muốn đến đây phải gửi xe ở Nhà Văn hóa Thanh niên rồi mới đi bộ qua. Một số sinh viên do không thấy bãi gửi xe nên thản nhiên để xe trên vỉa hè rồi vào ghế đá công viên ngồi. Đến khi bị mấy anh trật tự đô thị thổi còi phạt thì mới biết là mình để xe không đúng nơi quy định.
Dường như đến bất cứ công viên nào cũng đều nhìn thấy những tấm bảng “Cấm giẫm lên cỏ”. Nhưng có một nghịch lý mà ai cũng có thể thấy được là các bảng cấm này chỉ có tác dụng vào những ngày bình thường còn vào các ngày lễ, hội thì người ta vẫn đi trên cỏ bình thường. Mới đây, tại Công viên 30-4 diễn ra hội trại phòng chống HIV/AIDS. Các trại được dựng ngay trên các bãi cỏ của công viên. Người tham quan tha hồ giẫm đạp lên cỏ. Chỉ sau một buổi chiều, bãi cỏ xanh mướt đã bị giẫm nát. Chẳng hiểu việc cấm đó để làm gì? Chuyện xả rác cũng là một vấn nạn đáng buồn. Một nhóm nam nữ sinh viên tổ chức picnic trong Công viên 23-9, xong cuộc vui cả nhóm đứng dậy ra về bỏ lại “bãi chiến trường” với nào là thức ăn thừa, vỏ trái cây các loại. Trong khi, cách đó vài bước chân là một thùng chứa rác có ghi dòng chữ bằng tiếng Việt rất rõ ràng nhắc nhở ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân đô thị. Một người đi đường ngang qua nhắc nhở, nhóm sinh viên trừng mắt, bĩu môi: “Rảnh hơi, dọn rác là việc của lao công. Họ ăn lương nhà nước hàng tháng để làm việc này mà…”. Những cái lắc đầu kèm tiếng thở dài thất vọng của vài người đi đường dành cho các cô cậu cử tương lai.
Công viên 30-4 thường có cà phê “bệt”. Những người bán nước ở khu vực này hay lôi kéo khách hàng mua nước của mình bằng cách dùng báo và bìa carton để cho khách ngồi. Khi một nhóm nào đó đứng dậy ra về là chỗ đó còn lại các ly nhựa, túi đựng thức ăn ngổn ngang trên mặt đất. Có rất nhiều thùng rác được đặt ở đây nhưng chẳng ai nhặt rác của mình đến bỏ vào đó cả. Nhiều người xem những chuyện này là nhỏ nhặt. Nhưng đôi khi những chuyện nhỏ nhặt ấy lại khiến nhiều bạn trẻ bỏ luôn thói quen đến công viên hóng mát, giải lao mà thay vào đó là những trò chơi vô bổ, tai hại khác.
Nguyên Công (TP.HCM)
Bình luận (0)