Tòa soạnThư đi – tin lại

Viết tiếp một bài báo: Vô cảm – căn bệnh nguy hiểm

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân đọc bài Mong một con sâu không làm rầu nồi canh nói về căn bệnh vô cảm trên Báo Giáo Dục TP.HCM số 1.020, tôi xin được có ý kiến tiếp về vấn đề này. Có thể nói, căn bệnh vô cảm kéo người ta đến gần với cái chết lâm sàng: não thì vẫn hoạt động, nhưng trái tim thì đã ngừng đập. Đó là một căn bệnh nguy hiểm vô cùng. Thế nhưng, căn bệnh đó lại không ngừng lan rộng trong xã hội công nghệ – thông tin ngày nay. Cuộc sống hối hả nên còn mấy ai để ý đến một cụ già cần qua đường? Những chen lấn trên chiếc xe buýt chật chội, còn mấy ai để ý đến việc nhường ghế cho trẻ nhỏ, người già, người khuyết tật? Bệnh vô cảm xuất phát bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như thế. Để rồi tiến xa hơn là sự vô cảm trước cái tốt, và vô cảm trước cái xấu trong xã hội. Nếu như có cảm xúc, liệu những bà bảo mẫu ở trường mầm non tư thục Hà Nội có bao giờ tát, lấy bát đũa đập vào đầu trẻ, hay giật tóc trẻ chỉ vì trẻ không chịu ăn và quấy nhiễu? Sẽ có người bảo: “Người ta vẫn biết cười, biết khóc, biết lắng nghe, biết đọc, biết nhìn… tại sao lại bảo là vô cảm?”. Xin trả lời rằng, cảm xúc của họ chỉ tồn tại cho chính họ, mà không hề được chia sẻ, hòa chung cùng cộng đồng. Tôi xin kể câu chuyện này. Hồi cấp II, trường tôi học nằm trong một khu chợ ồn ào, khá nhiều người hành khất. Một hôm, có một gia đình ăn xin đến gần cổng trường để xin tiền học sinh. Họ có một cô con gái bị vấn đề về thần kinh, trông cô bé rất dị hợm, nhếch nhác, bẩn thỉu. Bọn học sinh lớp 7 thường lấy đá để ném vào người cô bé. Tôi chạy ra ngăn, thì mấy đứa học sinh cười bảo “Nó không có cảm giác đâu? Không biết đau đâu”. Mấy đứa bạn tôi chép miệng, bảo “Tao thấy đúng là thà không có cảm giác còn hơn, chứ nó mà có cảm giác, thì sẽ đau lắm…”. Tôi hiểu ý của chúng nó, tức là, nếu con bé mà biết đau, nếu nó hiểu tại sao nó bị ném đá, thì nó sẽ còn đau đớn hơn nữa. Tôi cũng đã nghĩ như vậy, cho đến một lần nhìn thấy con bé cứ đưa mắt nhìn mãi lên các lớp học… Đôi mắt nó bé tẹo, dường như chỉ có mỗi lòng trắng. Nó cứ hướng mãi về một phía như vậy. Và tôi hiểu rằng, tôi đã sai rồi. Ai mới là kẻ vô cảm? Là con bé đó, hay là những đứa học sinh đã mở mồm ra nói “Nó không có cảm giác đâu…”, hay là chúng tôi – những người đã có cùng suy nghĩ ấy? Đối với tôi, đó là một câu chuyện đáng nhớ, để nhắc nhở bản thân rằng, đừng nhìn vào bên ngoài, hãy nhìn vào trái tim người khác, để biết rằng, họ có phải là những kẻ vô cảm hay không?…

Trần Thanh Mai
(Lớp 11 chuyên văn – Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM)

Bình luận (0)