Tòa soạnThư đi – tin lại

Đừng quá tin vào sản phẩm diệt khuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Khi trẻ vui chơi, nô đùa xong, các thầy cô rửa tay chân cho trẻ đúng cách vẫn tốt hơn là lạm dụng các sản phẩm tẩy rửa. Ảnh: K.N

Dịch tay chân miệng đang hoành hành càng khiến cho nhiều người tìm mua các sản phẩm nước tẩy rửa diệt khuẩn để nhằm kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hầu như các loại nước tẩy rửa nào cũng ghi là diệt khuẩn, diệt vi trùng, có loại còn ghi nhãn là diệt khuẩn 100%. Nhưng sự thật có phải vậy?

Diệt khuẩn từ 99,9% đến 100%
Ở các chợ, siêu thị lớn của TP.HCM các sản phẩm này được trưng bày rất chỉn chu trên kệ, thậm chí là được đặt ở các vị trí “đắc địa”, dễ tìm thấy. Kệ đầy ắp sản phẩm tẩy rửa, diệt khuẩn, từ nước lau rửa sàn nhà, bồn cầu, nhà tắm cho tới nước rửa tay, kem tẩy rửa đa năng, thậm chí cả nước rửa rau quả, với đủ nhãn hiệu nội ngoại: Vim, Gift, Lix, Duck, Ocleen…, từ chai nhỏ 300ml cho đến chai lớn 2-4 lít. Mỗi nhãn hiệu đủ dòng sản phẩm, đủ màu (xanh, cam, xanh đậm…), với đủ lời rao cực kỳ ấn tượng, hấp dẫn: Nước tẩy men sứ Superr diệt khuẩn 100%, tẩy sạch mọi vết bám, ố vàng lâu ngày trên men sứ, dưới bồn cầu; nước tẩy vệ sinh Duck power Mr Muscle (người tiêu dùng quen gọi là hiệu con vịt) ghi trên nhãn là “cải tiến diệt khuẩn đến 99,9%; diệt H1N1”; nước rửa bồn cầu Goog Maid (Malaysia) diệt vi khuẩn và khử mùi hiệu quả; nước tẩy rửa toilets Ezus: tẩy sạch – khử mùi – diệt trùng. Các sản phẩm tẩy rửa này qua lời giới thiệu, quảng cáo của tiểu thương chợ truyền thống càng tăng thêm “uy lực”. Cô Dung – chợ Kim Biên chỉ vào chai nước tẩy rửa hiệu L. và tiếp thị: “Anh mua loại này đi, tốt lắm giá lại rẻ. Loại này xịt rửa thì con gì cũng chết”. Người tiêu dùng (NTD) cũng tin tuyệt đối vào công dụng của các loại nước tẩy rửa trên thị trường. Thậm chí các trường học hiện đang có xu hướng lạm dụng quá mức vào sản phẩm hóa chất này.
Đừng “chết” vì tin mù quáng
Tuy nhiên, liệu các sản phẩm tẩy rửa nói trên có thật sự hiệu quả như thông tin các nhà sản xuất công bố trên sản phẩm. Ông Hoàng Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng 3 cho rằng: “Cần làm rõ có cơ sở khoa học các chỉ tiêu về độ sạch, sạch là sạch, không sạch là không chứ làm gì có chuyện diệt khuẩn 99%. Trường hợp nhà sản xuất ghi chung chung là “diệt khuẩn” thì đó là ngôn ngữ quảng cáo”.
Một lo ngại có cơ sở hiện nay là hầu hết hóa chất ngoại nhập, trong đó có nhiều loại nhập từ Trung Quốc nguồn gốc không rõ ràng. Trong cuộc cạnh tranh giành giật thị trường, các nhà sản xuất sản phẩm tẩy rửa có thể cho thêm các chất có tính năng tẩy rửa mạnh (như axit) nhưng lại “quên” khai báo trong thành phần khi công bố chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, tác dụng phụ của loại hóa chất tẩy rửa này rất lớn. Khi các chất này còn lưu lại trên sàn nhà, quần áo hay thức ăn thì khả năng trẻ em ăn phải, ngửi… có thể dẫn đến ngộ độc, hoặc ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tiêu hóa. Ông Tôn Quang Trí – Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: “Không thể nào kiểm soát được các hóa chất do doanh nghiệp bỏ thêm vào trong quá trình sản xuất chất tẩy rửa. Gần đây, chúng tôi yêu cầu quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện mặt hàng hóa chất nào không trình báo được nguồn gốc thì tịch thu, chứ không quản nổi. Trường hợp doanh nghiệp trong quá trình sản xuất có đưa vào một số chất nhưng không công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn thì xem như vi phạm pháp luật. Hành vi thông tin quá sự thật về sản phẩm thì công ty cũng phạm luật, cơ quan quản lý nếu chứng minh được thì sẽ bị chế tài doanh nghiệp vi phạm. Vì vậy, người dân nên cảnh giác khi sử dụng các sản phẩm này”.
Bài, ảnh: Vũ Việt Giang

Một chuyên gia y tế cho rằng, nên hướng dẫn trẻ rửa tay chân thường xuyên, đúng cách bằng xà phòng và nước sạch thì vẫn phòng ngừa lây lan dịch tay chân miệng hiệu quả hơn là lạm dụng các sản phẩm tẩy rửa.

 

Bình luận (0)