Tòa soạnThư đi – tin lại

Tình cha và đất

Tạp Chí Giáo Dục

Người có hành vi bạo lực với người thân là ông B. (sinh 1962), hiện là giáo viên của một trường tiểu học thuộc huyện Bình Chánh.
Mâu thuẫn từ đất
Nghe chúng tôi hỏi nhà cụ C. (83 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh), nạn nhân bị con trai đánh, chửi mắng thậm tệ, những người đang ngồi uống cà phê sáng ở đầu ngõ ai nấy cũng nhiệt tình chỉ đường. Những người này ở cách nhà cụ C. khá xa nhưng biết rõ chuyện cụ C. bị người con trai đối xử tệ bạc. Ai nấy đều phẫn nộ song cũng chẳng giúp được gì bởi “ngán” tính hung hăng của thầy giáo B. Một người đàn ông ngụ ở đầu hẻm cho biết, cứ mỗi lần thấy ông cụ vừa khóc vừa chống gậy đến công an xã thì y như rằng ông cụ không bị đánh cũng bị con chửi mắng to tiếng.
Căn nhà cấp 4 có dấu hiệu rệu rã nằm sâu trong con hẻm có bề ngang chưa đến 1m. Phía trước nhà cỏ dại mọc um tùm. Khác với sự tĩnh lặng bên ngoài con hẻm năm thuở mười thì mới thấy có bóng người qua lại, từ trong mái nhà xiêu vẹo kia hầu như đêm nào cũng có tiếng chửi thề, la hét và tiếng kêu cứu… Chiếc phản đặt gần cửa chính, cụ C. nằm đấy không chút cựa quậy mặc dù biết có khách đến nhà. Đỡ cụ ngồi dậy, giọng cụ đượm buồn, đầy trắc ẩn: “Mất ăn, mất ngủ nên cơ thể xanh xao, yếu ớt, đã bệnh còn bệnh thêm vì đứa con bất hiếu”. Cụ C. kể trong nước mắt: “Tôi có 11 người con, mất 2 còn 9. Đứa nào cũng thương yêu cha mẹ, chí thú làm ăn. Chỉ riêng thằng B. tối ngày kiếm chuyện với anh em trong nhà, chửi bới rồi xô xát. Tôi là cha mà nó còn đánh. Mà nó có phải là người thất học đâu. Tôi cho nó ăn học đàng hoàng, là giáo viên tiểu học đấy chứ”. Câu chuyện giữa tôi và cụ thường xuyên bị đứt quãng bởi nỗi đau của một người cha bị con là một thầy giáo đối xử tệ bạc khiến lòng ông nhói lên, nói nên lời sao đặng.
Cụ C. kể tiếp: “Mẹ nó vừa mất chưa lâu. Cứ có rượu vào là đứng trước bàn thờ mẹ nó chửi bới tôi thậm tệ. Giấy tờ đất tôi bỏ trong tủ nó cũng lấy đi cầm với số tiền 150 triệu đồng, tiền lãi mỗi tháng 6 triệu đồng. Biết chuyện, sợ mất đất, anh chị em nó dù khó khăn phải chạy mượn góp lại để chuộc về. Hết chuyện đất rồi đến cái nhà cấp 4 này nữa, nó nói nhà này là của nó trong khi giấy tờ từ đó giờ tôi đứng tên. Tôi còn một mẫu đất, trước sau gì tôi cũng chia đều mỗi đứa một ít nhưng thằng B. nó không chịu, nó đòi lấy 4 công. Tôi không đồng ý thế là có chuyện”.
Không gây thương tích, khó xử lý
Đã qua rồi cái tuổi xưa nay hiếm, những tưởng mình được sống vui vẻ bên con, cháu nhưng cụ C. vẫn không được yên thân. Cụ C. tiếp: “Tôi đau lòng lắm. Con đánh cha. Em đánh anh. Anh đánh em, không còn ra thể thống gì cả. Rồi dắt nhau lên xã, ra tòa… nhục lắm, đến nước này không thể chịu đựng nổi nữa. Tôi thà chết để không còn nhìn thấy cảnh này”. Hơn 7 năm nay, cụ C. cứ đều đặn lên xuống công an xã, huyện, tòa án… Cụ quen với công việc mà bản thân không bao giờ muốn này từ lúc cụ còn có thể đạp xe đạp, rồi chống gậy đến nay ngồi một chỗ nhờ hàng xóm đi thưa, kiện nhưng chuyện đứa con đánh cha vẫn còn tái diễn, thậm chí còn nặng nề hơn. Cụ C. bức xúc, mỗi lần nó quậy phá, đánh tôi và anh, em nó xong là bỏ đi. Nhiều lần như vậy, công an xã đến thấy không có nó lại nghi ngờ “ông già gạt công an”.
Cụ C. nói: “Có rượu nó cũng quậy mà không có rượu nó cũng quậy. Cứ nửa đêm về bấm còi xe inh ỏi chọc phá mọi người. Ai lên tiếng là nó đánh liền. Theo cụ C. đó là hành động khiêu khích, với tính hung hăng, côn đồ của nó, ai hé miệng nửa lời là có chuyện lớn. Cụ C. mắc bệnh suy tim cấp 2, huyết áp cao, bệnh tình càng nặng hơn sau những lần ông B. “kiếm chuyện”. Lần cụ đi khám bệnh ở Bệnh viện huyện Bình Chánh, thấy bệnh của cụ ngày một nặng hơn, bác sĩ nói đùa cụ về nhà lấy hộ khẩu vào đăng ký ở trong bệnh viện luôn. Cụ tình thiệt gật đầu. Cụ nói: “Thà vậy còn hơn ở nhà bị con đánh”. Cụ C. khổ tâm chẳng buồn ăn, uống. Mọi người khuyên thì cụ bảo: “Thà chết quách cho khỏe cái thân, chứ sống mà con cứ kiếm chuyện, đánh đập hoài thì sống làm chi”.
Ngoài cụ C., những anh em trong nhà đều bị ông B. đe dọa, xô xát, đánh gây thương tích. Nạn nhân của ông B. là anh, em ruột của ông… Và gần đây, ông B. thường xuyên gây rối, chọc phá người trong nhà giữa đêm khuya.
Liên quan đến phẩm chất, đạo đức của nhà giáo, chúng tôi được ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh thông tin: “Gia đình thầy B. đã gửi đơn tố cáo lên phòng từ lâu. Chúng tôi đã mời thầy B. lên làm việc. Thầy B. cũng đã cam kết không tái phạm”. Ông Châu cho biết thêm: “Hành vi của thầy B. đối với cha, người thân trong gia đình đã vi phạm đạo đức nghề giáo”.
Sáng 22-9, trao đổi với một cán bộ công an nơi cụ C. cư ngụ, anh công an này là người trực tiếp thụ lý hồ sơ vụ việc thừa nhận chuyện ông B. đã nhiều lần gây rối, xô xát làm mất an ninh trật tự. Đề cập đến chuyện ông B. đánh cha và anh em trong nhà, anh công an cho biết cũng đã xử lý, tuy nhiên do đánh không gây thương tích nên khó xử lý!? Anh công an còn cho chúng tôi xem tập hồ sơ dày cộm, trong đó là biên bản ghi lời khai của đương sự trong suốt thời gian dài.
Trần An Tuy
LTS: Qua đường dây nóng Báo Giáo Dục TP.HCM, bạn đọc ở huyện Bình Chánh, TP.HCM cung cấp tin một thầy giáo nhiều lần đánh người thân trong gia đình, trong đó cha ruột cũng là nạn nhân. Đây chỉ là trường hợp cá biệt trong ngành giáo dục thành phố nhưng để hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của Bộ GD-ĐT, Giáo Dục TP.HCM đã tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.
 

Bình luận (0)