Tòa soạnThư đi – tin lại

Cơm sinh viên: Thấy mà phát sợ

Tạp Chí Giáo Dục

Một quán cơm trên đường
Hoàng Diệu (Thủ Đức) chế biến thức ăn không đảm bảo VSATTP
 

Giá cả leo thang, thực phẩm đắt
đỏ, thế nhưng nhiều quán cơm sinh viên (SV) vẫn giữ giá bán rất “mềm” để thu
hút thực khách. Liệu sự chênh lệch giá cả như vậy là do chủ quán có mối bỏ hàng
quen thuộc hay vì những lý do nào khác? 
Tiền nào của nấy
Sau khi các phương tiện truyền
thông liên tục phản ánh việc các quán cơm SV ở Làng ĐH Thủ Đức chế biến thức ăn
bằng những loại rau, củ giập, úa, thực phẩm ôi thiu, Phòng Y tế Q.Thủ Đức,
TP.HCM lập tức vào cuộc. Thấy mọi chuyện dường như lắng xuống, chúng tôi quay
trở lại những quán cơm ở khu vực
này để xem xét tình hình. Tưởng họ sẽ sợ
mà thay đổi cách thức làm ăn, thế nhưng, hiện ra trước mắt chúng tôi vẫn là những
quán cơm nhếch nhác, khâu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng không được
quan tâm.
11 giờ 30 ngày 24-10, dạo
quanh một vòng các quán cơm Minh Anh, Tây Đô, Thạnh Mỹ (Làng ĐH Thủ Đức), và
các quán Đại Lộc, Minh Thành (đường Hoàng Diệu 2 – sau Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật),
chúng tôi nhận thấy quán nào cũng nhộn nhịp người vào ra. Thực khách đa phần là
SV, công nhân. Vào vai SV, chúng tôi tạt vào quán Thạnh Mỹ (đối diện Trường ĐH
Khoa học Tự nhiên – Làng ĐH Thủ Đức) gọi cơm. Thấy khách vào, mấy nhân viên
trong quán vội quơ chiếc khăn rách nát xỉn màu lau bàn. Khăn chưa giặt sạch và
vắt khô nên tạo mùi khó chịu và làm cho mặt bàn thêm mất thẩm mỹ. Vừa vệ sinh
bàn ăn xong, mấy nhân viên này chẳng thèm rửa tay mà vô tư quay lại hốt rau sống
bỏ vào dĩa và đưa ra cho khách. Ngay cả chủ quán cũng phớt lờ chuyện giữ gìn vệ
sinh cá nhân. Với đôi tay trần, bà thoăn thoắt múc cái này, bốc cái kia cho
khách. Ngớt khách, bà quay sang lau tủ, đuổi ruồi. Gọi món xong, chúng tôi lấy
cớ đi vệ sinh rồi lân la vào khu vực nhà bếp. Trên nền xi măng loang lổ nhầy nhụa
mỡ, lênh láng nước rửa thực phẩm, rửa bát cáu bẩn. Không gian bếp chật hẹp được
tận dụng tối đa để chứa 1.001 thứ. Từ đồ ăn, thau rổ, bát dĩa cho đến rau củ,
thực phẩm chưa chế biến và cả rác. Ở đây, chén dĩa sạch được xếp cạnh đồ dơ. Rửa
chén dĩa xong, mấy cô tạp vụ không úp vào rổ mà để luôn xuống nền xi măng cáu bẩn.
Còn rau sống thì được đựng trong những chiếc rổ cũ kỹ bám đầy bụi để bệt xuống
nền nhà. Rùng mình, bước lên nhà trên, chúng tôi nhìn dĩa cơm với món đồ xào và
thịt rim bắt mắt mà không dám động đũa.
Lát sau, chúng tôi ghé vào một
quán cơm SV nằm gần cổng ký túc xá ĐHQG. Quán nằm sát mặt đường, xe cộ qua lại
tung đầy bụi trong khi thức ăn chỉ được đựng trong những chiếc thau nhôm lộ
thiên. Ngồi chung bàn với bạn Trần Thị Phượng – Khoa Tiếng Anh (Trường ĐH
KHXH&NV TP.HCM), chúng tôi lân la hỏi thăm về chuyện cơm nước của giới SV
xa nhà. Bạn Phượng chia sẻ: “Giờ không ăn ở đây thì biết ăn ở đâu? Khu vực này,
quán nào cũng như nhau thôi”. Vào “thăm” gian bếp của quán cơm Đại Lộc (sau Trường
ĐH Sư phạm kỹ thuật), chúng tôi được chị Thu L, nhân viên của quán cho biết:
“Thường thịt và cá, quán lấy từ mấy ngày trước, bỏ tủ lạnh. Khi đem ra nấu chỉ
rửa sơ qua nước cho đỡ tốn thời gian. Còn hành tây, cà chua hay củ cải đa phần
đều bị héo, giập. Trước khi chế biến, nhân viên phải ngồi gọt bỏ những phần
hư”. Với cách làm ăn “tận dụng triệt để” như vậy nên không có gì khó hiểu khi một
phần cơm với ba món, mặn, canh và rau sống ở đây chỉ có giá từ 12 đến 15 ngàn đồng.
Lo nhưng vẫn phải ăn?!?
Được biết, ngày 13-10, Phòng
Y tế Q.Thủ Đức tiến hành kiểm tra một số quán cơm trên địa bàn phường Linh
Trung (Làng ĐH Thủ Đức) đã phát hiện 20 quán cơm, quán nhậu ở khu vực trên
không được cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh nhưng vẫn hoạt động đều đều.
Đáng nói là các quán này vi phạm các quy định về VSATTP như: nhân viên phục vụ
không được khám sức khỏe định kỳ; thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, nhiều
loại thực phẩm đã bốc mùi hôi do để lâu ngày… Đặc biệt là hầu hết các quán trong khu vực này đều dùng
phẩm màu không nhãn mác. Mặc dù thời gian gần đây, vấn đề VSATTP tại các quán
cơm nêu trên bị phản ánh nhưng đa phần các bạn SV không mấy bận tâm. Họ cũng lo
cho sức khỏe của mình nhưng không còn sự lựa chọn nào khác, bởi số tiền gia
đình cung cấp hàng tháng có hạn mà phải chi tiêu nhiều thứ nên phải vào chỗ rẻ
để ăn. SV Trần Tuấn – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tâm sự: “Biết thức ăn ở đây
không đảm bảo chất lượng, mất vệ sinh, tụi em cũng sợ nhưng thiệt tình là chẳng
còn cách nào khác. Các bạn gái còn tự nấu nướng chứ tụi em là con trai, đâu biết
mấy chuyện đó”. Còn bạn Trần Hiếu, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, khách “ruột” tại
quán cơm Đại Lộc giải thích: “Theo em, nguy cơ dịch bệnh từ việc mất VSATTP là
rất cao, gây hại cho sức khỏe. Mong các cơ quan chức năng kiểm tra mạnh hơn nữa
để các chủ quán chế biến đảm bảo hơn. Có như vậy, những SV kinh tế eo hẹp như tụi
em mới yên tâm học hành”.
Bài, ảnh: Nguyên
Hải

 

 

Bình luận (0)