Tòa soạnThư đi – tin lại

Bát nháo trước cổng trường

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh bát nháo trước cổng trường Tiểu học Chính Nghĩa. Ảnh: P.Q

Tấp nập, đông đúc, chen lấn, cãi vã… là những hình ảnh đã trở nên quen thuộc tại bất kì cổng trường học nào vào lúc tan tầm. Phụ huynh (PH) đi đón con đứng ngồi lộn xộn trên vỉa hè, dưới lòng đường. Học sinh (HS) tụm năm, tụm ba đùa giỡn trong lúc chờ ba mẹ…
Trường hay chợ?
Sau giờ tan học, H.N. (HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM) băng qua đường đến “chỗ hẹn” với ba. Vừa đi cô nữ sinh này vừa nhìn xem ba đã tới chưa nên không để ý thấy hai nam sinh cũng vừa lao xe ra từ cổng trường. Sợ tông phải H.N., cậu bạn thắng gấp nên xe nghiêng trúng một PH đang đi bên cạnh, khiến cả hai cùng ngã xuống đường. Hiểu chuyện, H.N. không biết nói gì ngoài hai chữ “xin lỗi” líu ríu trong miệng.
Tại cổng trường Tiểu học Chính Nghĩa (Q.5), cứ khoảng 11 giờ trưa, PH đi xe đến rước con đứng kín cả hai bên vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Vì sự lấn chiếm khá hồn nhiên này mà xe cộ qua lại rất khó khăn, đôi khi phải nhờ sự can thiệp của các chú bảo vệ. Tan học, chạy vội ra cổng trường, dù đã nhìn thấy mẹ đứng cách mình chỉ khoảng 5 mét nhưng Ngọc Minh, HS lớp 2, chỉ biết ngán ngẩm nhìn lớp người dày đặc chung quanh. Đến khi len ra được ra chỗ mẹ đứng, người cu cậu ướt đẫm mồ hôi.
Trước cổng trường THCS Ngô Tất Tố (Q.Phú Nhuận) một nam sinh vừa cười nói vừa ném thật mạnh quả bóng rổ cho một nam sinh khác đang đứng đợi ở bên kia đường. Không may, quả bóng trúng đầu một người đi đường khiến người này ngã nhào. Vài người đi đường xúm lại giúp nạn nhân dắt xe vào lề kiểm tra xem có vấn đề gì không. Biết nạn nhân bình an, hai cậu bạn xanh mặt, vội vàng nhặt bóng, nói lời xin lỗi rồi “chuồn” ngay.
Giá trị của khẩu hiệu, biển cấm?
Ở bất kì cổng trường nào cũng treo câu khẩu hiệu “Cổng trường em sạch đẹp, an toàn” và “Đề nghị quý PH sắp xếp xe trật tự khi đưa rước HS”. Thế nhưng, nhiều PH vẫn đứng tràn cả ra lòng đường mặc cho những tiếng la ó liên tục vang lên. HS và PH chen lấn nhau không có một trật tự nào cả. Một PH cho biết: “Vào ngày thứ hai, tôi phải đến sớm  gần 20 phút mới có chỗ đứng chờ con. Chờ con ngồi yên trên xe, tôi quay lại nhờ những người đến sau nhích lên trước hoặc lùi ra sau một ít nhường đường. Nếu ba mẹ đứng xa quá thì con mình phải đi bộ, tội nghiệp. Ai đến đón con cũng chỉ đứng trật tự được lúc đầu chứ vào “giờ cao điểm” thì lộn xộn hết cỡ”.
Trước cổng trường Đại học KHXH&NV (Q.1) lâu nay đã đặt một cái bảng to đùng với dòng chữ in đậm, rõ nét: “Khu vực cấm tụ tập, mua bán hàng rong”. Vậy mà cách đó vài mét là nhiều quán nước khách đứng ngồi mua nườm nượp. Bao nước đá cáu bẩn được đặt dưới đất ngay cạnh chân nhà chờ xe buýt và những chai nước được đặt trong một cái giỏ nhỏ. Tất cả đều đã sẵn sàng để… chạy khi có người kiểm tra.
Nhận thấy tình hình không mấy khả quan, nhiều trường học đã phân công lực lượng bảo vệ túc trực trước cổng trường vào giờ tan tầm để hướng dẫn PH sắp xếp xe ngay ngắn và điều tiết giao thông. Đối với những tốp HS chờ đợi, đùa giỡn, tụ tập ăn uống gây mất trật tự trước cổng trường, lực lượng này thường khuyên các em giải tán. Nhưng đây chỉ là giải pháp nhất thời chưa mang lại tính răn đe vì ngày nào thực trạng cũng tái diễn. Khó dẹp nhất vẫn là trường hợp bán hàng rong và phát tờ rơi trước cổng trường. Bởi những xe hàng rong kinh doanh theo hình thức di động nên cấm đứng chỗ này họ lại đẩy sang chỗ khác.
Nhìn cảnh nhốn nháo, xô bồ trước những cổng trường giờ tan học, ai cũng ngán ngẩm lắc đầu. Thế nhưng, để giải quyết rốt ráo tình trạng này, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là phía nhà trường.
Quyên Phạm
 

Bình luận (0)