Biển giao thông của ông Dũng, Hiếu giúp chỉ đường cho nhiều người dân, trong khi tấm biển của ngành giao thông (phía xa) không ai cần đến |
Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, có tổng cộng hơn 10 lượt xe dừng lại xem tấm biển giao thông tự phát do hai người dân tự làm. Trong khi cách đó không xa, biển báo của cơ quan chức năng lại… không ai thèm ngó.
Tấm biển gỗ chỉ dẫn giao thông tự phát ấy nằm bên vệ đường tại góc ngã ba Phan Đình Giót – Phan Thúc Duyện – Phổ Quang (Q.Tân Bình, TP.HCM). Điều bất ngờ là trên tấm biển ấy, bên dưới còn có dòng chữ đỏ nổi bật “Đừng hỏi + Cám ơn”. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu (44 tuổi) và ông Âu Cường Dũng (40 tuổi) – hành nghề xe ôm tại đây cũng đồng thời là tác giả biển giao thông nói trên thì: “Người ta hỏi đường tụi tui một ngày ít nhất chừng 100 lần. Lúc đứng chờ khách hay ăn uống gì họ cũng hỏi. Trả lời mệt quá có khi tụi tui phải bỏ xe đó, vào vệ đường ngồi nhưng cũng không tránh bị hỏi nên mới làm biển giao thông này!”. Trên tấm biển tự phát ấy ghi rõ 3 hướng đi: một về Cộng Hòa, Trường Chinh – An Sương; một về Trường sơn – Sân bay Tân Sơn Nhất; hướng còn lại rẽ đường Phổ Quang – Gò Vấp. Ông Dũng cho biết: “Từ ngày cắm chốt hành nghề tại đây đã 3 năm, tui không thấy có biển báo giao thông nào hướng dẫn người dân đi về các hướng nói trên nên đến đây, họ đều không biết phải rẽ về hướng nào cho đúng. Đường nào cũng một chiều, nếu đi nhầm thì phải đi hết đường rồi mới quay lại thì rất mất thời gian, nhất là những khách đi ra sân bay có khi trễ chuyến”. Ông Hiếu kể, cảm động nhất là có một người đi đường, sau khi hỏi thăm đã cho ông 100 ngàn đồng để mua sơn và bảng gỗ làm biển báo chứ trước đây, do kinh phí hạn hẹp nên ông chỉ dùng tấm bìa carton và bút lông để vẽ nên cứ 2 ngày là bạc, rách.
Theo quan sát của chúng tôi, quả thật chỉ trong vòng một thời gian ngắn, số lượt khách dừng xe xem tấm biển tự phát của hai ông rất đông, trung bình 8 lượt/ 30 phút. Thế nhưng, cách đó chừng 50m, một tấm biển giao thông của cơ quan chức năng vừa “mọc” lên cách đây khoảng 10 ngày lại không ai đến xem. Lý do vì biển này quá nhỏ, chữ nhỏ và đặt xa – trong khi khu vực ngã ba này rất rộng nên người đi đường không thể nhìn thấy. Hơn nữa, giả sử người đi đường có lại đó để xem thì cũng bị… lố đường nếu đi nhầm, và việc quay lại cho đúng hướng giữa dòng xe đông đúc là điều khó khăn và nguy hiểm. Bên cạnh đó, thông tin trên tấm biển thiếu độ thiết thực khi chỉ hướng về Lăng Cha Cả. Theo ông Hiếu thì: “Đa phần là dân nhập cư nên ít người biết Lăng Cha Cả. Vả lại, nếu muốn đi về hướng Cộng Hòa, An Sương thì họ hỏi 2 đường này chứ không ai hỏi Lăng Cha Cả ở đâu vì không biết Lăng Cha Cả sẽ dẫn về đường nào”. “Hiến kế” cho tình trạng trên, cả ông Hiếu và ông Dũng cho rằng, cơ quan chức năng cần phải có một biển chỉ dẫn thiết thực, thật lớn dựng sao cho “đập” được vào mắt của người đi đường. “Có như thế, tụi tui mới không cần phải nói “đừng hỏi + cám ơn!” nữa!”, ông Dũng cười cười.
Bài, ảnh: T.Dân
Bình luận (0)