Tòa soạnThư đi – tin lại

“Cảm ơn Tết Việt!”

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Tây cùng gói bánh chưng với sinh viên ta trong đêm giao thừa. Anh: N.R

Bạn Kim Ha Suk (sinh viên Khoa Tiếng Việt Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM) cho biết: “Khi về Hàn Quốc, nếu bạn nào hỏi thích nhất ở Việt Nam điều gì, tôi sẽ nói là Tết. Tôi thật sự rất thích phong tục Tết Việt, rất độc đáo và ấm cúng. Năm rồi, tôi về quê một người bạn ở An Giang đón Tết, được đi lang thang trên những con đường làng quê ngập tràn hoa mai trong ngày mồng một, ngắm nhìn những em nhỏ xúng xính áo mới đi chúc Tết để nhận lì xì, tôi thấy vui vô cùng. Tôi được ăn bánh tét nhân mỡ đậu xanh, thịt kho nước dừa, dưa chua, củ kiệu… Cả gia đình bạn tôi dù ai đi đâu xa cũng trở về nhà đông đủ, chia sẻ niềm vui với nhau, chúc thọ ông bà, cha mẹ. Khi được ngồi quây quần trong khung cảnh đó, tôi cảm thấy như mình đang ở quê nhà. Tôi cảm ơn Tết Việt, cảm ơn người bạn Việt đã cho tôi có được cảm giác ấy. Như lời đã hứa, Tết năm nay, tôi cũng sẽ về lại An Giang…”. Chisato (người Nhật – sinh viên Khoa Tiếng Việt Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM) đã ba năm đón Tết tại Việt Nam. Thế nhưng, cô sinh viên nói tiếng Việt rất sõi này vẫn háo hức đón và có một cảm xúc đặc biệt với ngày Tết truyền thống này. Chisato hào hứng: “Tôi thích Tết Việt vì đi đâu cũng được đón chào nồng nhiệt, cánh cửa các gia đình luôn luôn được mở đón khách. Và nơi đâu cũng có tiếng cười. Năm ngoái, tôi bận rộn suốt mấy ngày Tết, vì có quá nhiều lời mời của bạn bè đến nhà  ăn Tết mà tôi thì không muốn từ chối. Tôi hiện rất rành các tục lệ Tết Việt như là tránh người xông đất đầu tiên của các gia đình trừ khi có lời đề nghị của gia chủ, tránh quét nhà vì sợ ra hết lộc… Món khoái khẩu trong dịp Tết của tôi là bánh chưng chiên ăn với thịt kho tàu hoặc dưa món. Mỗi nước ăn Tết khác nhau nhưng tôi nghĩ ăn Tết ở đâu cũng hay, miễn là mình biết hướng về cội nguồn”. Bạn Akiho Ohira (người Nhật) kể: “Tết năm rồi, tôi  được các bạn Việt dạy làm nem để sau này về nước có thể “trổ tài” cho gia đình thưởng thức. Kỷ niệm mà tôi không thể quên là được tham gia chương trình xuân Chiếc nón kỳ diệu, đạt được 1.000 điểm. Hôm ghi hình, tôi đã mặc chiếc áo dài Việt Nam, gảy đàn bầu bài Trống cơm tặng khán giả người Việt. Ai cũng bảo, trông tôi không khác gì một cô gái Việt”. Lee Min Hunk (người Hàn Quốc – sinh viên ngôn ngữ Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM bồi hồi nhớ lại: “Tối trước giao thừa năm rồi, tôi và nhóm bạn tụ tập tại nhà trọ gói bánh chưng. Sau đó, chúng tôi luộc bánh chưng bằng… bếp điện và chia nhau mỗi người chịu trách nhiệm luộc vài cái vì không có nồi to. Để cho không khí đón Tết thêm phần xôm tụ, chúng tôi còn cắt dán những cành đào, cành mai lên tường đồng thời trang trí một bàn thờ để hướng về tổ tiên, ông bà vì các bạn đều là sinh viên nghèo ở miền Trung, không có điều kiện về quê ăn Tết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có được một không khí ngày Tết thật ấm áp…”. Còn Hachey (người Mỹ, sinh viên Khoa Tiếng Việt): “Đây là cái Tết thứ hai của tôi tại Việt Nam. Tối giao thừa năm rồi, tôi gia nhập nhóm công tác từ thiện của Thành đoàn TP.HCM đến vui Tết với trẻ em lang thang cơ nhỡ ở Nhà Thiếu nhi TP. Năm nay, tôi dự tính tham  gia vào nhóm từ thiện Ước mơ xanh đi tặng quà và vui chơi với trẻ em kém may mắn ở làng SOS. Tôi ở lại Việt Nam không chỉ ăn Tết mà còn muốn làm một cái gì đó thật sự có ý nghĩa và sẽ nhớ mãi trong quãng đời sinh viên của mình”.
Nguyễn Ngọc Răng
(Trung tâm Công tác xã hội – Thành đoàn TP.HCM)
 
 

Bình luận (0)