Tòa soạnThư đi – tin lại

Giáo viên sửa điểm, người phát hiện gặp rắc rối

Tạp Chí Giáo Dục

Những bài thi bị cô Trở phát hiện có sửa điểm

Cô Lâm Thị Trở, giáo viên bộ môn giáo dục công dân (GDCD), đồng thời là GVCN lớp 8A2 năm học (2010-2011), Trường THCS Trung Lập, huyện Củ Chi, TP.HCM gửi đơn đến Báo Giáo Dục TP.HCM phản ánh việc thầy Nguyễn Ngọc Bích (giáo viên, tổ trưởng tổ sử – GDCD) sửa, nâng khống điểm bài kiểm tra.
Sự việc gây phản ứng mạnh trong học sinh, tạo dư luận xấu đã xảy ra vào cuối kỳ thi học kì II, năm học 2010-2011. Trong 5 bài thi thì có đến 3 bài chỉ đạt 1,5 điểm nhưng bảng điểm thì đều sửa thành 7,5; một điểm 1,3 sửa thành 7,3 và một điểm 3,8 thành 8,8.
Không phải lần đầu
Những năm học trước, cô Trở đã phát hiện thầy Bích sửa điểm, nâng khống điểm bài kiểm tra, gây bất bình trong phụ huynh và đã phản ánh với Ban giám hiệu (cũ). Hiệu trưởng yêu cầu kiểm tra những bài bị sửa và sau đó có nhắc nhở thầy Bích. Cách đây hai năm, chính cô Trở cũng phát hiện thầy Bích sửa điểm hai lần, sự việc nhà trường nắm rõ nhưng không có hướng xử lý. Tình trạng này lại tái diễn trong năm học 2010-2011, cô Trở lại là người phát hiện. Cô Trở nói: “Khi tôi đọc điểm bài kiểm tra học kì II môn sử, rất nhiều HS phản ánh có sự thiếu công bằng trong việc chấm điểm. Cụ thể là các bài kiểm tra chỉ làm được vài dòng, thậm chí không làm nhưng lại nhận điểm 7, 8. HS viết đơn nhờ tôi can thiệp, vì tôi là GVCN”. Cô Trở cho biết thêm, không chỉ có 5 học sinh này được nâng điểm mà còn nhiều học sinh khác.
Được sự phân công của Công đoàn trường, Ban thanh tra nhân dân cử cô Trở đến phòng văn thư mượn bài kiểm tra để đối chiếu (cô Trở nằm trong Ban thanh tra nhân dân, có đơn xin mượn bài thi) và đã được văn thư đồng ý. Trong 5 bài kiểm tra mà cô Trở mượn được là của các em D., H., V., C. và N. Năm học sinh này ở các phòng thi số 2, 3, 7 và 12. Kết quả đối chiếu cho thấy, số điểm chênh lệch giữa điểm trong bài thi và điểm trong bảng điểm ít nhất 5 điểm. Sau khi phát hiện điểm bị sửa, cô Trở đã báo với hiệu trưởng đồng thời làm đơn kiến nghị hiệu trưởng giải quyết để đảm bảo sự công bằng cho học sinh và tính nghiêm minh trong thi cử. Cô Trở bức xúc: “Sự việc không được hiệu trưởng giải quyết mà yêu cầu tôi trả lại bài thi. Trước đó, hiệu trưởng nói: “Tôi không phân công cô làm việc này. Cô làm thì tự cô giải quyết”. Ngoài ra hiệu trưởng còn đòi khởi kiện tôi ra tòa”.
Trong cuộc họp Chi bộ diễn ra sau đó (cô Trở là đảng viên). Hiệu trưởng nói: “Đơn cá nhân của cô Trở không có giá trị pháp lý để giải quyết”. Vì quá bức xúc, ngày 12-7-2011, cô Trở có đơn khiếu nại gửi lên Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi. Phòng GD-ĐT huyện mời cô Trở hai lần nhưng hai lần này cũng không giải quyết việc sửa điểm mà chủ yếu đòi lại bài kiểm tra và bảng điểm có sai phạm mà cô Trở đang giữ để làm chứng cứ. Cô Trở không đồng ý giao chứng cứ mà đem bản chính (bài kiểm tra và bảng điểm) ra đối chiếu với bản photo nhưng Thanh tra Phòng GD-ĐT huyện không đồng ý. Tròn một tháng sau, tức 12-8-2011, một lần nữa phòng mời cô Trở lên làm việc. Cô Trở có mặt đúng theo thư mời nhưng tại buổi làm việc, phòng tiếp tục yêu cầu cô Trở trả lại bài kiểm tra.
Vào điểm nhầm?
Ngày 19-8-2011, Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi ra văn bản số 994/ GD-ĐT trả lời không có cơ sở giải quyết đơn khiếu nại của cô Trở. Ngày 26-8-2011, cô Trở vượt hơn 50km đến Sở GD-ĐT TP.HCM khiếu nại về văn bản 994 của Phòng GD-ĐT. Ngày 9-9-2011, đơn của cô Trở được chuyển về phòng để giải quyết. Sau đó, lãnh đạo phòng kết hợp với hiệu trưởng và liên tịch nhà trường mời cô Trở đến làm việc. Nội dung buổi làm việc lại không có gì khác ngoài việc đòi lại bài kiểm tra. Ngày 7-12-2011, hiệu trưởng nhà trường ra thông báo yêu cầu cô Trở làm kiểm điểm và tổ chức cuộc họp tập thể sư phạm lấy ý kiến để kỷ luật cô Trở. Liên tục các ngày sau đó, hiệu trưởng tiếp tục ra thông báo cũng với nội dung yêu cầu cô Trở làm kiểm điểm và tự đưa ra hình thức kỷ luật. Nhà trường, Phòng GD-ĐT và Ban kiểm tra Quận ủy cũng đã mời cô Trở lên làm việc, cô Trở đã đưa ra bài kiểm tra (bản chính) để đối chiếu nhưng những người có trách nhiệm không đối chiếu. Qua nhiều buổi làm việc vẫn chưa giải quyết được. “Sự việc đã ra nông nổi này, tôi phải giữ lại bài kiểm tra để làm bằng chứng tố cáo tiêu cực. Việc làm của tôi là tạo sự công bằng cho học sinh, chấn chỉnh trong công tác thi cử nhưng không ngờ sự việc lại rắc rối như vậy. Suốt một thời gian dài tôi phải chịu sự ức hiếp, hăm dọa và “khủng bố” tinh thần đến mất ăn mất ngủ. Bản thân tôi mắc bệnh tim nặng”.
Ngày 4-2 vừa qua, trao đổi với Giáo Dục TP.HCM, thầy Võ Văn Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Lập cho biết: “Chúng tôi đã phân công người đến nhà 5 học sinh này để tìm hiểu xem mối quan  hệ giữa phụ huynh và giáo viên như thế nào. Kết quả cho thấy không có chuyện quen biết, nhờ vả để nâng điểm. Không có dấu hiệu “móc ngoặc” với phụ huynh. Hiện tại chưa có kết luận gì bởi cô Trở không trả bản chính để đối chiếu”. Thầy Hoàn khẳng định: “Qua rà soát, nếu những em này không được sửa, nâng điểm thì cũng không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập!?”. Ở một diễn biến khác, trong bản tường trình gửi hiệu trưởng, thầy Bích cho rằng: “Do bảng điểm photo mờ nên khi vào điểm có sự nhầm lẫn”?!?
Việc sửa điểm là có
Chiều 9-2, ông Võ Minh Tân, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Củ Chi đã chủ trì buổi làm việc với các bên liên quan để làm rõ sự việc. Ông Tân nói: “Quan điểm của huyện là ai có công thì tuyên dương, khen thưởng. Ai sai, tùy theo mức độ mà có biện pháp xử lý, không bao che”.
Tại buổi làm việc, thầy Lê Hùng Sen, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi khẳng định: “Qua kiểm tra, phát hiện có hiện tượng sửa điểm, không chỉ sửa 5 bài mà đến 8 bài nhưng ai sửa và sửa vì mục đích gì thì chưa có kết luận”. Thầy Sen cũng hoan nghênh phát hiện của cô Trở là đúng. Hành vi đấu tranh của cô Trở là vì mục đích chung, cần được phát huy trong ngành. Tuy nhiên, cô Trở không trả lại bài thi là sai. Phòng không thể đối chiếu bài thi với cô Trở vì làm như vậy chẳng khác nào công nhận việc cô mượn bài thi rồi giữ luôn là đúng. Chỉ có thể làm việc này khi cô Trở trả lại bài đúng nơi đã mượn. Đại diện thanh tra phòng giải thích về văn bản 994 gửi cô Trở về việc không có cơ sở giải quyết đơn là vì trong đơn có nội dung tố cáo nhưng cô Trở cho rằng chỉ khiếu nại nên không thể giải quyết. Trường hợp học sinh được điểm cao, sửa thành thấp thì mới khiếu nại. Trong khi học sinh điểm thấp, sửa thành cao là tố cáo mới đúng. Thanh tra cũng đề xuất, Huyện ủy cần có biện pháp hành chính để cô Trở trả lại bài mới sớm có kết luận ai là người sửa và sửa vì mục đích gì. Đồng thời, thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý. Công đoàn Trường THCS Trung Lập cũng đã thừa nhận do thiếu kinh nghiệm nên làm việc không đúng quy trình. Ban thanh tra nhân dân có đơn để cô Trở mượn bài thi nhưng không thông qua chủ tịch Công đoàn để trình hiệu trưởng.
Ông Tân kết luận việc sửa điểm là có, vụ việc kéo dài hơn nửa năm là do cách giải quyết của trường và phòng chưa khoa học, chưa đúng với quy chế chuyên môn. “Phòng và trường nhanh chóng mở cuộc họp liên tịch để giải quyết dứt điểm. Trong cuộc họp tới, nếu cô Trở không trả lại bài thi thì huyện không giải quyết nữa, cô Trở có thể khiếu nại lên cấp trên. Đồng thời xử lý kỷ luật các cá nhân có sai phạm”, ông Tân chỉ đạo. Ông Tân cũng nghiêm khắc phê bình Đảng ủy xã vì giải quyết sự việc không được nhưng không báo cáo Huyện ủy.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Kết thúc buổi làm việc, trao đổi với phóng viên, cô Trở vẫn giữ lập trường: “Tôi sẽ không trả lại bài thi đến khi nào có kết luận. Từ khi tôi phát hiện sửa điểm, hiệu trưởng không cho tôi làm GVCN và cho dạy GDCD (trước đó cô Trở dạy sử – PV) nhưng không có lý do”. Cô Trở bức xúc: “Trong các buổi làm việc với các bên nhưng thầy Bích lại không có mặt”.
 

Bình luận (0)