Tòa soạnThư đi – tin lại

Trẻ vô cảm với hàng xóm, lỗi do ai?

Tạp Chí Giáo Dục

(Nhân đọc bài Khi trẻ vô cảm với hàng xóm trên Báo Giáo Dục TP.HCM 1.104)
Tôi xin bắt đầu từ câu chuyện hai cô học trò mang phù hiệu lớp 7 Trường THCS N. TP.HCM đi ngang qua nhà người hàng xóm đang tổ chức đám cưới, không khí thật vui vẻ. Bất ngờ một trong hai cô học trò ấy hét toáng lên: “Trời ơi, hôm nay có bài kiểm tra một tiết. Gặp đám cưới, xui tận mạng, coi chừng lãnh “gậy” như chơi, mẹ mình hay nói ra đường nếu gặp đám ma thì hên hơn gặp đám cưới”. Mọi người dự đám cưới nhìn theo cô học trò với vẻ mặt sửng sốt: “Sao cô bé này lại vô tư với những phát ngôn của mình như thế?!?”. Đây chỉ là một trong số rất nhiều tình huống vô cảm với hàng xóm của trẻ hiện nay. Đúng là trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều bậc phụ huynh ở thành thị luôn mải lo kiếm thật nhiều tiền, theo họ cứ nhiều tiền thì con cái học giỏi và ứng xử tốt. Đi làm cả ngày tối về đóng cửa mà chẳng cần quan tâm đến những người hàng xóm xung quanh. Không phải là sinh ra trẻ đã có những biểu hiện này mà sự vô cảm đó phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn. Cách sống của bố mẹ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trẻ thành thị  ít quan tâm đến hàng xóm, láng giềng. Nếu hỏi một đứa trẻ ở thành thị “ông, bà, chú bác… nhà bên cạnh làm gì? Tên gì? Quê ở đâu?…” thì phần lớn đều… bó tay. Không ít các em ở thành thị bị các ông bố bà mẹ nuôi như “gà công nghiệp” khi đi học về. Trẻ thành thị sẽ không biết thế nào là khi “tối lửa tắt đèn” có nhau. Nếu chẳng may có vấn đề gì xảy ra, trẻ chỉ có thể gọi điện cho bố mẹ mà không thể nhờ vả vào ai khác được. Còn ở nông thôn, các em có thể tự mình sang nhà hàng xóm chơi với bạn bè cùng trang lứa, bố mẹ chưa về vẫn đảm nhiệm việc nhà đến nơi, đến chốn. Ngay từ lúc còn nhỏ, trong môi trường hẹp (bố mẹ, anh chị em trong gia đình, bạn bè, hàng xóm) là điều kiện thuận lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách trẻ trong những năm đầu đời, điều này sẽ tác động đến cách nghĩ, đến kỹ năng cũng như trong cung cách giao tiếp ứng xử… Và nếu như các bậc cha mẹ không giáo dục lòng nhân ái, tình yêu thương xóm giềng thì hậu quả là trẻ sẽ sống lạnh nhạt, vô cảm, thờ ơ thiếu tình đoàn kết yêu thương lẫn nhau, hình thành cái tôi cá nhân, vị kỉ với người xung quanh. Đối với nhà trường, không chỉ ở lý thuyết khô khan về văn hóa ứng xử mà cần trang bị cho các em học sinh những kỹ năng ứng xử một cách tự giác, cần phải làm cho các em hiểu được và biết cách chia sẻ với những người xung quanh, điều đó mới là quan trọng. Ông cha ta đã thấy rõ được các tác hại của nó nên đã tích cực phê phán, lên án những thói xấu chỉ biết vun vén cho riêng mình: “Đèn nhà ai nhà ấy sáng”, hay “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Đừng bao giờ để trẻ không biết đến vô tâm, vô cảm là gì và sống quay lưng lại với hàng xóm, láng giềng” – đó chính là bài học đầu tiên để trẻ bước vào đời, để trở thành một công dân có ích cho xã hội.
MINH HỮU (Q.Bình Thạnh – TP.HCM)

Bình luận (0)