Tòa soạnThư đi – tin lại

Báo động học sinh tự tử

Tạp Chí Giáo Dục

Đã không còn là một tai nạn, sự việc; diễn ra ở một địa điểm, hoàn cảnh nữa mà tình trạng học sinh (HS) tìm đến cái chết đã trở thành vấn nạn chung của toàn xã hội…
Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, trên cả nước có đến hơn 10 vụ HS tự tử.  Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng về cái chết của ba nữ sinh lớp 7, Trường THCS Phan Chu Trinh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông vào ngày 17-3 với động cơ vẫn đang còn là dấu chấm hỏi thì vừa qua, các phương tiện thông tin liên tục đăng tải hàng loạt vụ HS tự tử khác. Đó là buổi chiều ngày 21-3, người dân khu vực Đồng Diêm, thôn Định Thành, thị trấn Phú Hòa, tỉnh Phú Yên phát hiện em Trương Văn Sự – HS lớp 12CB5 Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.Tuy Hòa trong tình trạng sùi bọt mép do uống thuốc trừ sâu. Cơ quan chức năng vẫn chưa thể kết luận động cơ dẫn đến hành vi đường đột của Sự là buồn chuyện gia đình, học lực kém, lỡ tay thế chấp chiếc xe Air Blade, bố mẹ ly dị khiến cuộc sống của em thiếu sự quan tâm, quản thúc hay còn vì động cơ nào khác? Cùng ngày, một HS nữa tên Huỳnh Duy Đạt ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang cũng tìm đến cái chết bằng cách treo cổ nhưng không rõ nguyên do. Trước đó, địa phương này liên tiếp có hai vụ tự vẫn chung một hình thức treo cổ là em Phan Thị Đoan Trang, HS lớp 9, Nguyễn Thị Thùy Linh, lớp 8…
Những cái chết bất ngờ, tức tưởi, đầy đau đớn không chỉ để lại nỗi buồn, tiếc nuối cho người thân nói riêng mà còn khiến các bậc phụ huynh nói chung phải giật mình, đòi hỏi xã hội phải vào cuộc, cùng quan tâm, mổ xẻ. Điểm sơ qua các vụ tự tử trước đây, đều cho thấy nguyên nhân dẫn đến bi kịch của các em rất… mơ hồ: Cảm thấy buồn buồn, bất mãn chuyện gia đình hay đơn giản là lo lắng vu vơ… Còn nhớ cách đây không lâu, một HS ở Trường THCS xã Cẩm Điền, Hải Dương kết thúc đời mình chỉ vì bị nghi ăn cắp cái quần Jean ở cửa hàng thời trang. Hay em P.B.T – HS lớp 9/5 Trường THCS Quang Trung, TP.HCM nhảy từ ban công tầng 3 xuống đất với lý do cảm thấy bị xúc phạm, xấu hổ vì cô giáo chủ nhiệm trách mắng do điểm thi kém… Có thật hành vi tự tử, đường đột nghĩ đến cái chết được cấu thành từ các lý do nhỏ nhặt nói trên hay đó chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước?
Ông Trương Chí Thông – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý TP.HCM cho rằng con số những vụ tự vẫn ở lứa tuổi học trò thực ra chỉ là… bề nổi của tình trạng giới trẻ bỗng dưng không muốn sống hiện nay. Có rất nhiều phụ huynh tìm đến bác sĩ tâm lý để than vãn về tâm trạng bi quan, muốn rời bỏ thực tại mà lý do rất mơ hồ, mông lung của con em mình. Ông kể, có bà mẹ hốt hoảng dắt đứa con gái đến phòng tư vấn hỏi: “Làm sao để con tôi không muốn chết nữa? Đây là lần cắt tay thứ hai của nó”. Vừa nói, bà vừa chỉ vào cổ tay của con với những đường rạch chằng chịt. Giải thích hành vi, cô con gái cũng chỉ khẳng định rằng cảm thấy cuộc sống chán ngắt, vô vị và nghĩ mọi thứ đều không có gì quan trọng để sống chứ hoàn toàn không đưa ra được một động cơ rõ ràng, thuyết phục dẫn đến ý định quyên sinh. Tương tự, trên các diễn đàn dành cho lứa tuổi học trò, không khó để bắt gặp lời than vãn của các em về cuộc sống buồn tẻ quanh mình với những câu hỏi rất ngô nghê là liệu thế giới bên kia có vui hơn bên này?
Với các vụ tự tử mà nguyên nhân mông lung, tính thuyết phục không cao như vậy, ông Thông cho rằng đó là do niềm tin vào cuộc sống chung quanh của các em đã không còn. Tâm trạng bất an, chán nản, bất mãn, tuyệt vọng… đeo bám, tích tụ qua ngày tháng để rồi khi gặp một biến cố nhỏ nhoi như bị trách giận, la mắng thì cảm giác cùng quẫn mới bùng vỡ, ý định tự vẫn mới hình thành. Vậy, khởi nguồn nào dẫn đến cuộc sống mà ý chí, niềm tin của các em mỗi ngày một teo tóp lại?
TUYẾT DÂN
LTS: Qua bài viết này, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến tiếp theo của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các nhà tâm lý, các bạn HS nhằm giúp hạn chế vấn nạn HS tự tử. Mọi ý kiến xin gửi về Ban bạn đọc Báo Giáo Dục TP.HCM hoặc email: songminh1@yahoo.com. 

 

Bình luận (0)