Tòa soạnThư đi – tin lại

“Diễn đàn ngăn chặn tình trạng học sinh tự tử”: Hãy cho các em bản lĩnh sống

Tạp Chí Giáo Dục

Kỹ năng ứng phó với các tình huống xã hội là điều mà các em HS phải tự trau dồi. Ảnh: M.H

Thời gian qua, có khá nhiều vụ nam nữ HS tự tìm đến cái chết rất đau lòng. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động rằng các bạn trẻ hiện còn thiếu sự quan tâm của nhà trường, gia đình, xã hội, thiếu cả bản lĩnh sống, kĩ năng vượt qua những áp lực trong cuộc sống.
Rất nhiều ý kiến thiết thực
“Diễn đàn ngăn chặn tình trạng học sinh tự tử” trên Báo Giáo Dục TP.HCM đã mở ra kịp thời, thu hút sự tham gia ý kiến của rất nhiều chuyên gia tâm lý, thầy cô giáo và nhất là các bậc phụ huynh. Các ý kiến đã cho thấy sự phát triển của trẻ trong giai đoạn giao thời giữa tính cách “trẻ con” và chuyển sang làm “người lớn”, nhiều HS quá “nhạy cảm” trong cách nghĩ nên mỗi khi có sự việc rắc rối, dù là rất nhỏ cũng nhanh chóng bị suy sụp. Cũng có em chỉ vì muốn thể hiện, chứng minh “bản lĩnh dám nghĩ dám làm của mình” mà có sự chọn lựa hết sức sai lầm là tìm đến cái chết. Theo ý kiến của cô Tô Nhi A (giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm TW TP.HCM) thì: “Tự tử, cần khẳng định trước tiên, đó không là một giải pháp tích cực cho các vấn đề mà cá nhân gặp phải. Càng ngày, càng có nhiều những cái chết “chủ động”, và rất nhiều trường hợp còn quá trẻ. Việc “chết đi” của các em không xuất phát và thực hiện một cách nhất thời. Tất cả đã được nung nấu trong một thời gian dài. Khởi nguồn đã là ý định “muốn biến mất” hoặc có thể nhẹ nhàng hơn là “chán mọi người”, “mình không được quan tâm”, “cuộc sống chỉ toàn điều đau khổ”… Và khi thêm một việc, dù là rất nhỏ, nhưng vô tình chạm “ngưỡng”, ý định của các em “nổ tung”. Các em này rất cần sự quan tâm sâu sát của gia đình, bạn bè và nhà trường để có thể động viên, tham gia gỡ rối giúp các em vượt qua những áp lực cuộc sống hàng ngày. Có vậy mới không còn những vụ tự tử đau lòng như thế nữa…”. Bạn đọc Nguyễn Trung Hiếu (TP.HCM) đưa ra một giải pháp: “Vì chương trình giáo dục chưa tập trung bồi dưỡng kỹ năng sống, khiến các em thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc? Vì các em “học tập” qua truyền thông những câu chuyện tự tử? Vì sự phát triển tâm sinh lý phức tạp của tuổi mới lớn là thử thách quá lớn với nỗ lực của các bậc cha mẹ khi gánh nặng mưu sinh còn trĩu nặng? Vì thế, mỗi trường học cần có một phòng tư vấn tâm lý học đường mà ở đó các em dễ dàng thổ lộ tâm sự của mình, được giữ bí mật tuyệt đối, đáng tin cậy và cho các em những lời khuyên hữu ích”.
Rèn luyện để có lối tư duy tích cực
Hãy cho các em bản lĩnh sống để hạn chế tình trạng tự tử. Đó là ý kiến của ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục – Trường ĐHSP TP.HCM). Theo ThS. Hiếu: “Kỹ năng quản lý bản thân, kỹ năng ứng phó với các tình huống xã hội là điều mà gia đình, nhà trường, xã hội và ngay bản thân các em HS phải tự trau dồi. Tự tử lúc còn tuổi thanh xuân là bất hiếu. Tìm đến cái chết vì những lý do không đâu là biểu hiện của sự hèn nhát, là trốn tránh, thiếu bản lĩnh. Có rất nhiều tấm gương trong xã hội mà chúng ta có thể đã gặp hoặc đọc được ở đâu đó, họ có những giai đoạn khủng hoảng hơn nhiều cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng bằng nghị lực, sức mạnh tiềm tàng luôn có trong mỗi người mà họ đã vượt lên, sống tốt hơn cho chính bản thân, thậm chí còn đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, có thể hiện tại các em chưa tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời. Vậy trước tiên hãy “biết đủ” với hiện tại, biết “lọc” những gì cần làm, những gì cần bỏ, biết ước mơ và biết thêm gia vị vào mỗi ngày để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Hạnh phúc là do mỗi chúng ta điều khiển, hoàn cảnh chỉ là sự tác động, hãy biết rằng cuộc sống này có kỳ diệu hay không là do ở chính bạn mà thôi. Đừng vội chết khi bạn chưa kịp sống”. Cô Tô Nhi A khẳng định: “Cuộc sống luôn không dễ dàng và buộc mỗi người chúng ta phải có một bản lĩnh nhất định để ứng phó với những khó khăn mà cuộc sống mang đến. Trong khi đó, dù yêu thương con cái đến đâu, cha mẹ cũng không thể nào ở bên cạnh trong mọi lúc. Vì thế, đòi hỏi bản thân các bạn trẻ phải có tư duy tích cực và biết cân nhắc để lựa chọn các giải pháp phù hợp cho những rắc rối mà mình gặp phải. Từ đây, chúng ta thấy một vấn đề đặt ra là làm sao để các bạn trẻ có được những kỹ năng cần thiết: Giải quyết vấn đề, yêu cầu sự giúp đỡ, xác định mục tiêu cuộc đời, và đặc biệt, có được tư duy tích cực. Kỹ năng là điều mà trẻ chỉ có thể có khi tự thân các bạn phải trải nghiệm dựa trên sự hướng dẫn đúng đắn. Như vậy, bên cạnh việc huy động sự quan tâm từ gia đình, bản thân trẻ cũng phải hiểu và ứng dụng được lối tư duy tích cực, đồng thời, chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng để đối diện với những thử thách sẽ gặp trong cuộc sống. Và không ai khác, nhà trường cũng như xã hội chính là lực lượng đồng hành cùng trẻ trong hoạt động này”.
Khôi Nguyên – Trần Xuân
 
Diễn đàn này xin tạm khép lại ở đây và chúng tôi luôn chào đón những ý kiến thiết thực của độc giả tham gia các diễn đàn cũng như các chuyên mục khác của báo.

Bình luận (0)