Một chiếc xe ô tô hiệu Mercedes đời mới cộng với 600 triệu đồng tiền mặt – cái giá quá đắt cho sự cả tin của bà Mỹ Hường, anh Mỹ và tài xế Hòa đồng thời cũng là bài học cảnh giác chung dành cho tất cả mọi người.
1. Trời chạng vạng tối, bà Mỹ Hường – chủ một cơ sở cho thuê xe du lịch ở TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) – đang ngồi dùng cơm cùng gia đình thì được người làm thông báo tin có một người khách trông rất “sộp” cần thuê xe gấp. Bà vội vàng bước ra phòng khách. Trước mắt bà là một người đàn ông trạc 35-36 tuổi, ăn mặc rất lịch sự, nói giọng khẩn trương: “Gia đình tôi đang có chuyện buồn, vì thế ông anh tôi từ Mỹ phải bay gấp về, 9 giờ sáng mai sẽ có mặt ở Sân bay Tân Sơn Nhất – TP.HCM. Ở nhà có xe hơi riêng nên tôi chủ quan. Không ngờ lúc trưa thằng em út tôi lấy đi công chuyện vi phạm Luật Giao thông bị cảnh sát giữ xe. Cũng may, nhờ anh Bảy T. giới thiệu nên tôi mới biết chị chuyên cho thuê xe đời mới, giá cả lại phải chăng…”. Bà Mỹ Hường tiếc rẻ: “Tôi chỉ có 3 chiếc xe nhưng giờ này chưa thấy chiếc nào về. Hay để tôi giới thiệu cho anh một người quen, xe ở đó hơi cũ nhưng…”. Người khách xua tay: “Thôi, tôi biết tính ông anh tôi, chiếc Camry 2.4 ở nhà mà ảnh còn chê lên chê xuống, thuê xe cũ cho ảnh đi sợ ảnh giận. Thôi, biết làm sao hơn được, tôi sẽ đợi xe chị về. Nhưng chị phải cố gắng giúp tôi, chọn một tài xế giỏi, khởi hành đi ngay đêm nay mới kịp đón ảnh”. Thông cảm với nỗi lo của người khách “sộp”, lại không hề nghe đá động gì đến chuyện tiền nong nên bà Mỹ Hường cũng không cần thiết đặt ra vấn đề thủ tục. Vả lại, đây lại là người quen của anh Bảy T. giới thiệu…
2. Chiếc Mercedes đời mới 12 chỗ của bà Mỹ Hường rời khỏi TP.Bạc Liêu lúc 23 giờ 30 phút. Ngoài tài xế Trần Văn Hòa và ông khách “sộp”, trên xe còn có một người khách quá giang là anh Nguyễn Văn Mỹ ngụ ở phường 7 – quận Gò Vấp – TP.HCM. Anh Mỹ là người làm ăn chung với bà Mỹ Hường, bà đã chủ động thương lượng với người khách thuê xe để anh Mỹ an tâm mang 600 triệu đồng vừa thu hồi công nợ của bà và một số khách hàng khác trở về thành phố.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ vượt qua chặng đường dài 129km, đến gần 2 giờ sáng, chiếc Mercedes đã đến Cần Thơ. Ông khách “sộp” đề nghị cho xe dừng lại để mua cà phê uống. Ông khách lững thững đi về phía quán cà phê, chừng 10 phút sau quay trở lại với 3 bịch cà phê trên tay, mời “Hai anh uống cà phê đá cho tỉnh táo”. Anh Hòa vốn không quen uống cà phê nên chỉ nhâm nhi chai nước suối mang theo. Trong khi đó, bịch “cà phê đá” của anh Mỹ chỉ một thoáng là hết sạch.
3. Gần 6 giờ sáng, chiếc xe đi rước Việt kiều đã đến địa phận huyện Bình Chánh TP.HCM đúng vào lúc người khách “sộp” kêu đói bụng. Khi đã cho xe dừng trước một quán phở bên đường, nhìn lại băng ghế sau thấy anh Mỹ vẫn ngoẹo đầu ngủ say sưa, tài xế Hòa định đánh thức anh ta dậy nhưng người khách “sộp” bảo: “Thôi, chắc tại ảnh quá mệt, gọi ảnh dậy chắc gì ảnh chịu ăn”. Nói xong, người khách “sộp” bước xuống xe. Trước khi bước vào quán phở, anh ta nói bằng giọng nhỏ nhẹ, ân cần nhưng tài xế Hòa hiểu đó là câu mệnh lệnh: “Tôi vô trước gọi đồ ăn, anh kiểm tra máy móc và mấy cái bánh xe xem có trục trặc gì không. Anh chịu khó một chút về lại Bạc Liêu tôi sẽ nói anh tôi boa cho anh hậu hĩ”. Khi tài xế Hòa làm xong phận sự vào quán thì trên bàn đã đặt sẵn hai tô phở bốc khói thơm lừng, cạnh mỗi tô là một chai nước ngọt mới khui, giữa bàn là một gói thuốc lá 555 mà theo lời ông khách là chính hiệu hàng Anh quốc. Ăn xong tô phở, uống cạn chai nước ngọt và hút điếu thuốc “chính hiệu hàng Anh quốc” do người khách “sộp” mời, tài xế Hòa có cảm giác tan biến hết bao nhiêu mệt nhọc. Thế nhưng, rời khỏi quán phở chưa đầy 20 phút, anh bỗng cảm thấy cơn buồn ngủ từ đâu ập đến một cách khác thường. Như một động tác phản xạ, anh cho xe dừng lại rồi trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, anh chợt hiểu ra… Và rồi, anh gục xuống tay lái mê man, cũng giống như anh Mỹ đã và đang “ngủ say” sau khi uống cạn bịch “cà phê đá” của người khách “sộp”… Khi tỉnh dậy, anh Mỹ và anh Hòa thấy mình đang nằm trong bệnh viện cấp cứu.
Phạm Minh
Bình luận (0)