Tòa soạnThư đi – tin lại

Đau đầu với nạn “luộc” xe

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh giác với nạn “luộc” xe ở những bãi gửi xe như thế này (ảnh minh họa)

Nạn “luộc” xe tại các bãi giữ xe không mới nhưng có dấu hiệu gia tăng và tinh vi hơn trước.
1.001 kiểu “luộc”
Mất 30 phút ngược xuôi tìm chỗ gửi xe, chị Nguyễn Thanh Hằng (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mới tìm được một chỗ gửi xe ở gần chợ Bến Thành để gặp người quen. 20 phút sau, chị trở ra thì đề xe không nổ. Hì hục đạp 15 phút cũng chẳng ăn thua gì. Chiếc xe gắn máy Yamaha Sirius của chị Hằng mới mua cách nay chưa đầy năm, chưa bao giờ có dấu hiệu trở chứng bất thường như thế. Thấy chị Hằng thân gái nhễ nhại mồ hôi, anh xe ôm chờ khách gần đó đến hỏi: “Gửi xe ở bãi bên kia đường phải không? Thôi đừng đề, đạp chi nữa cho mệt xác. Bị “luộc” IC rồi”.
Anh Nguyễn Chí Dũng, nhân viên thiết kế nội thất, trụ sở tọa lạc trên đường Hàm Nghi cũng từng là nạn nhân của một bãi giữ xe gần đó. Trong tháng 5 vừa qua, chiếc xe máy Future mới mua trị giá trên 36 triệu đồng của anh bị “luộc” IC đến 2 lần. Lần đầu, sau khi tan sở, anh Dũng ngồi lên đề máy bình thường nhưng khi vô ga chạy không “ngọt” như lúc sáng. Nghi ngờ, anh Dũng đưa xe vào trung tâm bảo hành. Vừa trình bày “triệu chứng” của xe, nhân viên kỹ thuật ở đây “bắt bệnh” ngay: “Bị “luộc” IC”. Không có bằng chứng, cũng không có chỗ gửi xe nào khác, anh Dũng tiếp tục gửi xe ở bãi này sau khi đã thay con IC mới trên 300 ngàn đồng. Một tuần sau, không chỉ con IC, chiếc xe của anh còn bị “luộc” cả bộ đề.
Chị Trần Thu Trang, nhân viên kế toán Công ty Cung ứng phần mềm máy tính Huy Hoàng (P.Đa Kao, Q.1) kể lại: “Dù đã được cảnh báo từ nhiều người về bãi gửi xe bên ngoài Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng nhưng không còn chỗ nào khác, đành phải gửi ở đây. Chỉ trong vòng gần 1 giờ đồng hồ giúp người bạn hoàn tất sổ sách công nợ, trở ra thì phát hiện xe có dấu hiệu bị cạy, mở dàn áo. Xe vẫn nổ máy bình thường nhưng chạy được chừng 100 mét thì khựng lại rồi tắt ngúm luôn, đề lại không nổ. Dẫn xe vào tiệm bên kia đường, anh thợ mở nắp bửng cho biết xe của chị đã bị “luộc” cục sạc và IC.
Nhập nhằng quản lý, khó xử phạt
Hầu hết các xe bị “luộc”, tráo đổi phụ tùng được gửi tại các bãi giữ xe nằm sâu hun hút trong hẻm hoặc ở một ngóc ngách nào đó mà người gửi cũng chẳng biết rõ chủ nhân. Chỉ biết đến nơi gửi, cầm thẻ xong, người nhận gửi đẩy xe đi, khi trở ra cũng đưa thẻ cho người giữ dẫn ra. “Có bãi giữ xe, khi muốn lấy xe phải đợi ít nhất 10 phút. Trong khi một số phụ tùng dễ tháo lắp như IC, cục đề thì dân trong nghề chỉ cần 5 phút cho cả tháo và lắp”, thợ sửa xe Nguyễn Thanh Phong khẳng định.
Theo kinh nghiệm của anh Phong, các xe bị “luộc” bình xăng con, cục sạc, IC… hầu hết là các xe gửi lấy liền bởi tháo lắp khá nhanh. Gửi xe lâu hoặc gửi qua đêm thường bị “luộc” các phụ tùng phức tạp, khá đắt tiền như niền, thắng đĩa, bộ sên cam… Trong các loại phụ tùng, IC xe SH là miếng mồi ngon bởi dễ tháo lại có giá gần 5 triệu đồng. Lần anh Nguyễn Thế Hùng gửi chiếc SH ở bãi bên ngoài Bệnh viện Nhân dân Gia Định, vừa ngồi đề xe đã phát hiện xe “có vấn đề”. Là dân sửa xe tay ga có nghề, anh Hùng đoán chắc xe bị “luộc” IC. Ngay lập tức anh tháo ngay tại chỗ, đúng là con IC xịn đã bị tráo bằng con IC đểu. Anh Hùng trình bày với nhân viên bãi xe thì nhận được câu trả lời: “Xe anh bị “luộc” ở đâu rồi vào đây vu khống”. Chưa hết, họ còn thách thức anh Hùng đi báo công an sẽ được khuyến mãi… bữa ăn sáng phở 24 và 2 lít xăng cho cả đi lẫn về?!?
Xe bị “luộc” thường không “đổ bệnh” ngay lúc đó mà lại “phát bệnh” sau đó vài ngày nên khó “bắt đền”, dù biết chắc chắn xe bị “luộc” tại bãi. Chủ nhân của những chiếc xe bị “xơi tái” đành ôm cục tức ra về mà chẳng biết kêu cứu ở đâu. Thông thường, người bị nạn tìm đến công an địa phương nơi xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, đến gặp công an thì công an chỉ qua nơi đã cấp phép là UBND quận hoặc UBND phường, cấp quản lý về mặt Nhà nước. Người may mắn sẽ được công an phường tiếp nhận phản ánh nhưng đòi hỏi thêm chứng cứ mới có biện pháp xử lý.
Bài, ảnh: Trọng Tri
Luật sư Nguyễn Thế Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, điều 139, khoản 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 nêu rõ: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Hành vi “luộc” xe cũng có thể khép vào tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 Bộ luật Hình sự. Cũng theo luật sư Thảo, luật là vậy nhưng thật khó xử lý vì chuyện đã rồi, không ai chứng minh được trước khi gửi xe, các loại phụ tùng theo xe vẫn như cũ hay đã bị “luộc”?
 

Bình luận (0)