Tòa soạnThư đi – tin lại

Bến Tre: Những con đường làm khổ học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

HS xã Giao Thạnh vượt qua các “ổ trâu, ổ voi” đến trường

Hiện nay, đường đến trường của học sinh (HS) ở hai xã Giao Thạnh và Thạnh Phong thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre gặp rất nhiều khó khăn do có quá nhiều “ổ trâu, ổ voi”. Điều này cũng gây trở ngại cho cuộc sống và sinh hoạt của người dân địa phương.
“Con đường đau khổ”
Quốc lộ 57 từ TP.Bến Tre về phà Cầu Ván (xã Giao Thạnh, Thạnh Phú) là con đường trải nhựa nhẵn nhụi rộng mênh mông. Nhưng muốn đi tiếp theo đường này về đến vàm Khâu Băng, nơi giáp biển Đông thì phải vượt qua hơn 12km đường sình lầy với hàng ngàn “ổ voi, ổ trâu” nằm liên hoàn bủa vây phương tiện trên đường. Và điều tồi tệ này cũng xảy ra trên huyện lộ 30 – con đường “xương sống” của xã Giao Thạnh dài khoảng 11km.
Khổ sở nhất là các em HS,  mỗi ngày đi học là mỗi ngày phụ huynh phải lo sợ con mình không vượt qua nổi “ổ voi, ổ trâu” chực chờ và sẵn sàng quật ngã các em loi ngoi trong vũng sình lầy. Chị T. ở ấp 6 xã Giao Thạnh châm biếm: “Con tôi học cấp 2, những ngày mưa ngập đường thấy cháu đi học về mà tôi cứ tưởng như cháu vừa đi mò cua bắt ốc. Té ra là hôm đó cháu bị thất bại khi vượt qua một “ổ voi”…”.  Anh Q. ở ấp 7 xã Thạnh Phong thì mạnh dạn hơn: “Ở nhà cứ phải nơm nớp lo sợ nên tôi đưa con lên tỉnh ở nhà ngoại học luôn. Thà nhớ con nhưng ít ra không phải lo lắng”. Cô L. – giáo viên tiểu học ở xã Giao Thạnh cho biết: “Những ngày mưa, sĩ số lớp học thường vắng nhiều lắm. Nhưng tôi thông cảm vì các em ấy nhà ở xa nên không thể đi học được do con đường quá tồi tệ”.
Chủ một vựa thức ăn nuôi tôm ở thị trấn Thạnh Phú tỏ ra e dè, ái ngại: “Hai xã ấy là khách hàng chủ yếu của cửa hàng chúng tôi, nhưng vì chi phí vận chuyển xuống đó quá cao nên cũng ái ngại lắm, khi bán với số lượng ít thường khách hàng phải tự vận chuyển, nếu không thì không bán để khỏi mang tiếng bán đắt hơn với giá thực mấy trăm ngàn”. 
Dự án đã duyệt… nhưng thiếu vốn
“Dự án đoạn đường còn lại của quốc lộ 57 từ phà Cầu Ván đến vàm Khâu Băng đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào đầu năm 2012, kinh phí từ nguồn trái phiếu Chính phủ nhưng hiện tại chưa được chi, trước mắt huyện chỉ tiến hành “dặm vá” tạm thời bằng đá nhằm hạn chế phần nào khó khăn trong giao thông cho người dân. Còn vấn đề huyện lộ 30 thì được tỉnh phê duyệt trải nhựa, đồng thời đây còn là tuyến đường “lánh nạn tránh bão” chiến lược của huyện. Vốn dự định là 70 tỉ đồng nhưng hiện vẫn chưa có. Trước mắt huyện đã trích ngân sách chi thường xuyên là 110 triệu để khắc phục tạm bằng cách rải cát lên đường từ chợ Cồn Hươu (ấp 4) đến giáp với sông Cổ Chiên (ấp 1 xã Giao Thạnh). Phần còn lại từ chợ Cồn Hươu lên ấp 8 giáp xã An Điền thì Phòng kinh tế hạ tầng huyện đang khảo sát để chọn cách khắc phục tạm thời sao cho hiệu quả nhất” –  ông Mai Văn Hùng – Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết.
Ông Hùng cũng chia sẻ thêm: “Huyện đang chủ trương huy động vốn từ bên ngoài vào để tạm thời giải quyết và sau khi có ngân sách sẽ chi trả lại. Đồng thời vận động sự ủng hộ đóng góp của người dân. Giải pháp là vậy, nhưng hiện tại vẫn chưa có hành động nào, trong khi người dân thì như “ruộng cạn chờ mưa”…
Bài, ảnh: MÃ PHƯƠNG

Bình luận (0)