Cha mẹ cần dạy cho trẻ kỹ năng để tự bảo vệ mình. Ảnh: K.N |
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tâm gây tử vong trẻ em. Theo ThS. tâm lý Phạm Thị Thúy – giảng viên Học viện Hành chính TP.HCM – đã đến lúc gia đình và xã hội phải nhìn nhận lại cách trang bị, giáo dục cho trẻ kỹ năng sống để ứng phó, tồn tại trong môi trường đầy những rủi ro.
Cha mẹ đừng lơ là
Nhìn lại những tai nạn đáng tiếc vừa qua thì thấy đa phần trẻ đều được cha mẹ để ở nhà một mình, tự chơi một mình mà không hề có người lớn trông nom. Vì thế, tai nạn là điều khó tránh khỏi. Lỗi trước nhất là từ phía gia đình. Ở góc độ pháp luật, luật sư Ngô Minh Trực – Hội Luật gia TP.HCM cho biết, ở nước ngoài, nếu từ sự bất cẩn, lơ là, sâu xa hơn là sự thiếu trách nhiệm của cha mẹ mà gây ra cái chết cho trẻ nhỏ đều có thể bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn ở Việt Nam, chưa có khung hình phạt hay bất kỳ chế tài nào dành cho những hành vi trên. Theo ông Trực, đó là một trong những lỗ hổng lớn trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Và rất cần thiết nên bổ sung vào Luật Sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em sẽ được trình lên Quốc hội vào cuối năm 2014.
Còn theo kiến trúc sư Đoàn Xuân Dương – Hội Kiến trúc sư Hà Nội – trong hầu hết các thiết kế xây dựng, đặc biệt xây dựng nhà cao tầng, khu chung cư thì khi thiết kế xong phải luôn có bộ phận kiểm định căn cứ theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCXDVN). Nếu thiết kế thiếu an toàn, cơ quan thẩm định, thẩm tra sẽ trả lại hồ sơ thiết kế. Trong TCXDVN quy định khá chặt chẽ và người thiết kế cũng nắm rõ những cự ly an toàn. Việc tai nạn ở trẻ nhỏ có thể do lỗi thiết kế, thi công. Nhưng cơ bản là do người sử dụng, cha mẹ chủ quan, không để ý đến sự an toàn, không biết cách tự bảo vệ chính con em mình.
Trẻ cần kỹ năng sống an toàn
Đã tổ chức rất nhiều buổi trao đổi về kỹ năng chăm sóc con cái an toàn tại Hội quán Các bà mẹ, ThS. Phạm Thị Thúy chia sẻ: “Xã hội hiện đại ngày càng có quá nhiều những rủi ro cho trẻ. Việc bảo vệ trẻ không đâu xa chính là từ phía gia đình, cha mẹ. Đừng tưởng trẻ ở nhà, trẻ đến trường đã là an toàn. Đừng bao giờ chủ quan để trẻ nhỏ ở nhà một mình, tự chơi một mình. Tai nạn có thể đến từ mọi phía. Việc cha mẹ được trang bị đầy đủ về kiến thức kỹ năng sống sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cách chăm sóc, bảo vệ trẻ, hướng dẫn cho trẻ, phòng chống hỏa hoạn, thương tích…”. Theo ThS. Thúy, ngay từ khi 18 tháng tuổi, trẻ đã cần được dạy về kỹ năng nhận diện rủi ro. Và khi lên 3 là lứa tuổi trẻ được nâng cao nhận thức để cha mẹ trang bị, dạy cho trẻ về kỹ năng sống an toàn, phân biệt và lường trước những nguy hiểm từ gia đình, xã hội và cả trường học. Đồng quan điểm trên, ThS. xã hội học Nguyễn Thị Tuyết Minh – giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cho biết: “Vai trò của gia đình là rất quan trọng để giáo dục cho trẻ cách sống an toàn. Mà dường như vấn đề này đang được cha mẹ phó mặc hết cho nhà trường khi trẻ đến tuổi đi học. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, trẻ cần được trang bị những kiến thức kỹ năng sống khác nhau. Và những kỹ năng sống từ khi còn rất nhỏ lại có tác động rất lớn, giúp trẻ xử lý linh hoạt và ứng biến với các tình huống trong cuộc sống hàng ngày lúc lớn lên…”.
Yến Hoa
Bình luận (0)