“Nhà nổi” vẫn vô tư mọc lên trên sông Dinh |
Sông Dinh là một con sông có chiều dài hơn 40km khá nổi tiếng thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong chuyến công tác về đây những ngày đầu năm 2013, chúng tôi thật sự giật mình trước những nguy hiểm chực chờ trên tuyến sông này.
Xà lan, phà chở quá tải
Dọc theo tuyến sông Dinh, chúng tôi bắt gặp rất nhiều xà lan cát, ghe chở hàng hóa trọng tải lớn đang xuôi dòng. Được biết thời gian gần đây, tình trạng xà lan chở quá tải diễn ra khá phổ biến trên tuyến sông Dinh. Mỗi ngày có hàng chục lượt tàu, xà lan chở hàng hóa quá tải trọng thoải mái lưu thông trên tuyến sông này, bất chấp mọi hiểm nguy có thể xảy ra.
Chúng tôi cũng được chứng kiến một pha biểu diễn “đẹp mắt” của một “bác xế” điều khiển chiếc vỏ lãi, gắn máy đuôi tôm, chở gần 20 hành khách cập một bến hẹp, nằm thụt sâu vào trong đất liền, hai bên có nhiều cọc cây, nò, chà… Thế mà chẳng mấy chốc, “bác xế” đã đưa chiếc vỏ lãi chạm bến một cách nhẹ nhàng, khiến cho nhiều người chứng kiến phải thán phục. Tài nghệ của các “bác xế” thì khỏi phải bàn, nhưng đôi lúc sự chủ quan của người điều khiển phương tiện như thế lại chính là nguyên nhân gây ra tai nạn. Chắc hẳn mọi người chưa quên vụ lật đò cách đây 2 năm tại sông Dinh (đoạn gần cảng Cát Lỡ), chiếc đò chở gần 20 người lớn và 2 trẻ em, va chạm với một chiếc ghe đi ngược chiều, chiếc đò bị lật úp, làm chết 1 cháu bé, 5 người khác không biết bơi may được một người dân ở gần đó phát hiện lần lượt đưa vào bờ an toàn. Không chỉ có những vụ va chạm giao thông trực tiếp mới gây ra hậu quả nghiêm trọng, mà tác động gián tiếp của nó cũng đem đến hậu quả khó lường. Mới đây, trên đoạn sông Dinh (đoạn qua xã Kim Long, huyện Châu Đức), một tàu khách chạy với tốc độ cao, gây sóng lớn đánh chìm chiếc ghe chở hơn 100 bao xi măng, may mà không có thiệt hại về người. Thượng tá Nguyễn Đức Sâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra của chúng tôi không kiểm tra hết các bến bãi trên tuyến cùng một lúc, để tránh sự đối phó của các chủ bến, đoàn chỉ kiểm tra đột xuất một số bến, những ngày sau sẽ tiếp tục dần”. Cách bến phà Tân Thành (điểm nối giữa huyện Châu Đức và Tân Thành) hơn 1km là một bến phà nhỏ. Gọi là phà nhưng thực ra chỉ là một chiếc chẹt (xà lan nhỏ) đã được cải tiến đôi chút, mỗi ngày nó vận chuyển khoảng vài trăm khách. Thế mà, từ việc lái phà đến thu phí đều do một cậu bé mặt còn “búng ra sữa” thực hiện. Không cần hỏi cũng biết chẳng có chứng chỉ chuyên môn gì, vì xưa nay chưa có tiền lệ cấp chứng chỉ chuyên môn cho người dưới 16 tuổi. Một hành khách lắc đầu ngao ngán bảo “qua sông thì phải lụy đò”. Biết là không an toàn nhưng vị khách này cũng như bao hành khách không còn cách lựa chọn nào khác. Và những chiếc phà như thế vẫn tiếp tục tồn tại theo nguyên tắc: Người đi thì đò đưa! Đến khi lực lượng chức năng kiểm tra thì họ tìm đủ mọi lý do để biện bạch. Dù lý do gì, thì việc phó thác cho những đứa trẻ thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống, cũng như chưa đủ năng lực chịu trách nhiệm về hành vi điều khiển phương tiện chở khách vẫn phải bị lên án và xử lý thật nghiêm, để bảo đảm an toàn cho hành khách. Một thực tế đáng buồn nữa là tình trạng coi thường các quy định về an toàn giao thông của một số nhà máy chế biến thủy sản, trạm xăng dầu có đăng ký bến bãi ven sông Dinh, nhưng lại cố tình quên không cắm biển báo, hoặc cắm để chiếu lệ, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
“Nhà nổi” vẫn tồn tại
Theo quan sát của chúng tôi, hiện có khoảng 150 “nhà nổi” được cất tạm bợ ven và trên sông Dinh. Số “nhà nổi” trên được một số hộ dân (đa số có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh, thành khác) lắp dựng trái phép. Hầu hết bà con sống ven sông này đều có hoàn cảnh khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, chỉ buôn bán nhỏ, chạy xe ba gác, sửa xe nên thu nhập bấp bênh… Chúng tôi nhìn thấy nước thải, rác thải “tống” thẳng xuống sông, chưa kể rác thải ở chợ cũng tìm về nơi này khiến cho khúc sông trở thành bãi rác. Còn người dân, do ý thức còn kém hoặc vì hoàn cảnh quá khó khăn nên đành chấp nhận “sống chung” với ô nhiễm. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà các “nhà nổi” này còn làm mất an toàn cho giao thông đường thủy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Thượng tá Nguyễn Đức Sâm cho biết thêm: “Vừa qua, UBND phường 11 – TP.Vũng Tàu đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế giải tỏa 14 “nhà nổi” tồn tại trái phép trên sông Dinh”. Theo ông Nguyễn Xuân Đàm, cán bộ kiểm tra xây dựng, UBND TP.Vũng Tàu thì: “Tình trạng xây dựng trái phép trên sông Dinh diễn ra đã khá lâu, muốn dẹp bỏ rất khó, phải cần có thời gian dài. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các phường tiếp tục kiểm tra và có hướng xử lý”.
Bài, ảnh: CHÍ TRỌNG
Bình luận (0)