Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Chelsea: Lại rắc rối từ Mikel

Tạp Chí Giáo Dục

Man United và Chelsea đang phải đối mặt với một cuộc điều tra mới có liên quan đến vụ chuyển nhượng gây tranh cãi của tiền vệ người Nigeria, John Obi Mikel.

Theo được hiểu thì LĐBĐ Na Uy (NFF) muốn FA và FIFA xem xét lại vụ việc một lần nữa vì nhiều thông tin mới đã xuất hiện.

Cho tới nay, phần lớn tất cả đều nghĩ rằng, vụ chuyển nhượng này đã khép lại khi Man United, Chelsea và Mikel, cùng đội bóng Na Uy FC Lyn, kí vào một thoả thuận mà theo đó, The Blues trả cho Man United 12 triệu bảng, Lyn 4 triệu bảng để sở hữu cầu thủ người Nigeria.

Tuy vậy, một loạt những chứng cứ mới đã xuất hiện sau phán quyết dành cho cựu Giám đốc điều hành của Lyn, Morgan Andersen, hồi năm ngoái, vì tội giả mạo hợp đồng của Mikel, trước khi họ bán anh cho Man United vào tháng 4-2005.

John Obi Mikel đang là vấn đề gây tranh cãi ở Chelsea

Trong phiên toà xét xử Anderson, toà án Na Uy đã cho công bố những tài liệu cho thấy một sự vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc chuyển nhượng khi Mikel không từ Nigeria tới Stamford Bridge trực tiếp mà phải qua Nam Phi, Na Uy và Old Trafford.

Như đã biết thì vài ngày sau khi kí thoả thuận sơ bộ với Man United, tiền vệ người Nigeria biến mất khỏi Na Uy và người ta thấy anh có mặt tại London. Mikel thì khẳng định anh đã bị đe doạ kí hợp đồng với Man United bởi anh muốn khoác áo Chelsea.

Giờ đây, người ta lại phát hiện ra một văn bản thoả thuận do những luật sư của Chelsea soạn thảo, có chữ kí của các bên, không chỉ yêu cầu Mikel, Man United, Lyn và Chelsea huỷ bỏ đơn kiện mà họ gửi lên FIFA, FA và Premier League nhằm tố giác lẫn nhau mà còn "không được phép đề nghị bất cứ cơ quan nào, toà án nào điều tra Mikel hay đăng kí thi đấu của cầu thủ này".

Chưa hết, Mikel cũng được yêu cầu theo điều 8.4 là "khai báo với cảnh sát Na Uy rằng, anh không muốn tiếp tục vụ việc với Ủy ban điều tra tội phạm của Na Uy".

Mikel về sau đã kí vào một bức thư gửi cảnh sát đề nghị thực hiện yêu cầu của anh. Tuy vậy, cảnh sát Na Uy không từ bỏ vụ việc và vào tháng 3-2008, Andersen bị phạt và nhận án tù treo 1 năm vì tội giả mạo hợp đồng của Mike.

Công tố viên Svein Holden cho biết: "Cảnh sát báo với tôi rằng, họ nghĩ vụ việc này rất nghiêm trọng và các bên đưa ra thoả thuận trên chỉ nhằm phục vụ cho những mục đích của họ. Thoả thuận này đã khiến cuộc điều tra và xét xử thêm khó khăn".

Điều bất ngờ là sau phiên toà, NFF chỉ có thể phạt Lyn và người đại diện Rune Hauge vì vai trò của họ trong vụ Mikel. Sau đó, NFF đã viết thư cho FIFA và FA để lưu ý trường hợp của Anderson, cũng như những tiết lộ trong cuốn The Missing Diamond.

Nên nói thêm, thoả thuận trên, cùng với một số tài liệu khác, đã xuất hiện trong The Missing Diamond (Viên kim cương mất tích), một cuốn sách của hai nhà báo Na Uy, Lars Backe Madsen và Jens M Johansson, những người đã thuật lại chi tiết câu chuyện của Mikel trong một loạt những vụ chuyển nhượng các cầu thủ trẻ vòng quanh thế giới.

Vấn đề cơ bản bây giờ là tại sao và làm thế nào mà Mikel cùng hai cầu thủ người Nigeria dưới 18 tuổi khác có mặt ở Na Uy vào mùa thu năm 2004. FIFA cấm chuyển nhượng những cầu thủ còn ít tuổi và mặc dù vào tháng 6-2005, NFF có đề nghị tổ chức này can thiệp nhưng vấn đề này vượt quá giới hạn chức năng của FIFA. Thay vào đó, cảnh sát Na Uy vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm những bằng chứng mới nhưng kết quả mà NFF nhận được chỉ là một phiên toà xử Andersen vào tháng 3-2008. Ngay sau đó, cụ thể là đến cuối năm, Chelsea kiện ông này và Lyn đòi trả lại 16 triệu bảng mà họ đã thanh toán vì hợp đồng giả mạo.

Lyn về sau đã đạt được thoả thuận về khoản tiền trả trước nhưng Chelsea vẫn đòi hỏi quyền lợi ở Andersen. Cho đến ngày hôm qua, cả họ và Man United đều không đưa ra bất cứ bình luận gì trước sức ép mà NFF đưa ra nhằm làm rõ sự có mặt của Mikel ở Na Uy.

Việt Phương (theo thethaovietnam)


Bình luận (0)