Tòa soạnThư đi – tin lại

Long đong tìm việc vì hộ khẩu miền Trung

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều lao động là người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… tìm kiếm việc làm trong những trung tâm giới thiệu tuyển dụng lao động phổ thông

Xa quê xuôi Nam mưu sinh kiếm sống, tưởng chừng như xin làm công nhân thật dễ dàng, nhưng quá trình đó khó khăn hơn họ tưởng. Bởi vì: Công ty không nhận lao động người miền Trung!
Tuyển lao động chỉ nhìn hộ khẩu
Vào Sài Gòn hơn một tháng nay, anh Phan Trọng Giáp cầm bộ hồ sơ trên tay, rong ruổi xin việc từ Khu chế xuất Linh Trung 1 – Thủ Đức, đến Khu công nghiệp Sóng Thần, Tân Đông Hiệp A ở Bình Dương. Kết quả anh nhận được chỉ là cái lắc đầu của công ty tuyển dụng, trả lại hồ sơ nhanh chóng vì mỗi “tội” quê anh ở Hà Tĩnh. Cùng rơi vào tình cảnh giống anh còn nhiều người khác quê Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Ngày qua ngày, họ tìm việc với những hi vọng và sau đó là những tiếng thở dài ngao ngán, thất vọng vì lý do đơn giản là công ty không tuyển người có hộ khẩu ở các tỉnh trên. “Tuyển việc họ không cần biết năng lực, trình độ hay sức khỏe, chỉ nhìn chứng minh nhân dân là dân Hà Tĩnh hay Thanh Hóa, Nghệ An… thì trả lại ngay lập tức. Nghe như vậy tôi thật sự sốc, có chút gì đó tự ái. Lý do ấy thật mơ hồ và khó hiểu”, anh Giáp bức xúc nói.
Xin việc hai tháng ròng rã mà chẳng có kết quả gì, cầm bộ hồ sơ có bìa ngoài nhàu nát trên tay, anh Nguyễn Văn Tuấn, quê Nghệ An, thở dài: “Bộ hồ sơ của mình qua tuyển dụng rồi cất vô cốp xe hai tháng trời rồi đó. Kiểu này chắc mình phải đổi hộ khẩu thôi. Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa quậy quá, chắc họ sợ nên không dám tuyển nữa rồi. Hai tháng nay, chân ướt chân ráo vô Sài Gòn, đang còn mượn tiền trọ, tiền sinh hoạt. Mong sớm đi làm công nhân bù lại, nhưng xin việc kiểu này thì khổ thật rồi. Khó khăn càng khó khăn hơn”.
Bên ngoài, những thông báo tuyển dụng hoàn toàn bình thường, không có sự “phân biệt đối xử” hộ khẩu vùng này vùng khác. Tuy nhiên, đến vòng phỏng vấn, hồ sơ được trả lại cho chủ nhân vì có hộ khẩu là các tỉnh “đặc biệt”. Chú T., bảo vệ Công ty cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp A) cho biết: “Công ty không nhận lao động người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vì  “kỵ” dân các tỉnh này lắm”. Không hiểu rõ hàm ý của từ “kỵ” trong câu nói của chú bảo vệ luống tuổi kia là gì, nhưng đó là một thực tế khó chấp nhận và có chút “phũ phàng” cho những người miền Trung vào Nam cố gắng làm ăn, chắt chiu kiếm sống. 
Chúng tôi tìm đến trung tâm giới thiệu việc làm gần Khu chế xuất Linh Trung 1 để tìm hiểu vấn đề này thì bắt gặp câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thanh Ngọc. Chị xin đi làm thời vụ cho một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (Thuận An – Bình Dương). Trung tâm đã làm đầy đủ các giấy tờ, cuối cùng hỏi sổ hộ khẩu, biết chị quê Thanh Hóa, trung tâm trả lại hồ sơ, nói rằng không nhận những người từ Hà Tĩnh trở ra. Lúc đó, trung tâm bày cách cho chị mượn chứng minh của người nào đó, hộ khẩu khác những tỉnh trên rồi cho đi làm. Chứng kiến sự việc trên, thật sự bất ngờ và khó tin. Lân la hồi lâu, chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân thực sự của “rớt” việc vì cái sổ hộ khẩu, được ông Hoàng, trung tâm giới thiệu việc làm cho biết: “Không nhận công nhân Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hay Quảng Bình vì công nhân những tỉnh ấy hay đình công. Vào đây lâu hay tụ tập, rượu chè, gây gổ đánh nhau. Đã đánh nhau là đánh theo hội lớn luôn ấy chứ. Quản không nổi đâu”.
“Hộ khẩu Hà Tĩnh thì sao?”
Anh Đoàn Xuân Quang bực bội và hỏi câu đó khi Công ty Masan, Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp A (Dĩ An – Bình Dương) trả lại hồ sơ. Anh bộc bạch: “Đi xin việc cả ngày trời, tới chỗ nào cũng không nhận vì hộ khẩu Hà Tĩnh. Lý do gì mà kỳ cục thế không biết. Chỗ nào thì cũng có người này, người nọ, sao có thể vơ đũa cả nắm rồi không nhận người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh? Tuyển dụng thì phải đánh giá năng lực, trình độ chứ sao chỉ nhìn vào hộ khẩu mà tuyển?”.
Phản ứng nhẹ nhàng hơn, anh Đặng Duy Lợi, quê Thanh Hóa chia sẻ: “Họ không nhận thì mình cũng đành chịu chứ biết làm sao giờ. Lại vác hồ sơ đi xin việc ở công ty khác thôi. Nhưng ngẫm lại, chẳng ai lại ngờ không tìm được việc làm vì quê quán hay hộ khẩu bao giờ. Giờ chắc đi kiếm chỗ nào đó làm từng ngày rồi hết năm tính tiếp”.
Đứng ở góc độ của người quê Nghệ An làm bảo vệ tại Công ty Yujin (Khu chế xuất Linh Trung 1), anh Cao Văn Tươi nói lên suy nghĩ của mình: “Những công ty có quy định không tuyển dụng lao động vì hộ khẩu thì cũng không công bằng cho nhiều người. Nhưng công ty cũng có cái lý của họ. Mong sao dân mình bớt nóng, ít tụ tập lại cho đỡ mang tiếng và ảnh hưởng nhiều người về sau. Tôi nghĩ, phát huy tính cần cù, chăm chỉ chịu khó, tích cực làm việc của người miền Trung thì sớm muộn gì họ cũng được công nhận cả thôi”.
Chị Nhi, quê Hà Tĩnh, thổ lộ: “Chỉ mong rằng các công ty, nhà tuyển dụng, trung tâm giới thiệu việc làm dẹp bỏ thành kiến với những người ở các tỉnh miền Trung. Mọi người xin việc làm thì đều mong muốn làm ổn định, chứ chẳng ai mong vào đó để đình công hay đánh nhau làm gì. Một con sâu làm rầu nồi canh. Khi biết không được tuyển dụng chỉ vì hộ khẩu, tôi buồn và có chút gì đó tủi thân, ứa nước mắt nữa. Mong nhiều công ty đánh giá mọi người công bằng, để chúng tôi tìm việc làm dễ dàng hơn”.
Bài, ảnh: Dương Thùy

 

Bình luận (0)