Tòa soạnThư đi – tin lại

ĐH vùng có nhiều đổi mới

Tạp Chí Giáo Dục

Đại học Bách Khoa Đà Nẵng triển khai môn học kiểm thử phần mềm tự động. Ảnh: I.T

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012, lãnh đạo các trường ĐH vùng ở khu vực miền Trung cho biết, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình thực hiện.
Từ phương pháp giảng dạy
Một trong những điểm thay đổi tích cực đáng ghi nhận ở ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế (hai trường ĐH vùng lớn ở khu vực miền Trung) đó là sự đột phá từ phương pháp giảng dạy. GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, kể từ khi triển khai đào tạo hệ thống tín chỉ (năm 2006), ĐH Đà Nẵng đã khuyến khích giảng viên (GV) và sinh viên (SV) đổi mới phương pháp dạy và học đáp ứng yêu cầu của đào tạo tín chỉ. Theo đó, phương pháp dạy đọc chép đã được hạn chế cơ bản. Các giờ học trên lớp đã được tăng cường thảo luận, seminar. Hệ thống thư viện cũ được dần đổi mới. Nhiều phòng thí nghiệm, phòng bộ môn được xây dựng và trang bị hiện đại. Nhiều giáo trình, giáo án điện tử được biên soạn tăng thêm sự hấp dẫn của tiết dạy.
Bên cạnh tăng cường CSVC, các trường chú ý tổ chức tập huấn phương pháp giảng dạy có tích hợp CNTT cho GV các khoa chuyên môn. Trường ĐH Ngoại ngữ phối hợp với Khoa CNTT thuộc Trường ĐH Bách khoa mở các lớp tập huấn sử dụng phần mềm moodle để thiết kế bài giảng. Năm 2012, Trường ĐH Bách khoa đã kí kết với Công ty Intel tổ chức các đợt bồi dưỡng cho GV về phương pháp giảng dạy tích cực, xây dựng đề cương chi tiết học phần thông qua các đợt tập huấn tại ĐH Arizon State University (USA)…
Nhờ phương pháp giảng dạy đổi mới theo hướng tích cực cùng sự quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ, năm 2012, ĐH Đà Nẵng có 2,7% SV tốt nghiệp sớm trước 1 và 2 học kỳ. Tỷ lệ SV khá, giỏi đạt từ 70-80%. Đặc biệt, có gần 600 SV theo học chương trình thứ 2 tại các trường ĐH thành viên.
Tại ĐH Huế, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế cho biết, bên cạnh sự đổi mới phương pháp theo hướng nâng cao sự chủ động, tích cực nghiên cứu của SV, ĐH Huế còn triển khai công tác SV đánh giá GV thông qua phiếu khảo sát. Tổ chức đối thoại giữa SV với lãnh đạo nhà trường để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy-học.
Đến đào tạo theo nhu cầu xã hội
Để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhiều năm trở lại đây, ĐH Đà Nẵng đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Mời các chuyên gia hoạt động kinh doanh sản xuất trong thực tiễn đến giảng dạy… Ba năm qua, nhà trường đã đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để đào tạo kỹ sư cho Công ty Thép Đà Nẵng, Công ty Điện lực 3, Công ty Sông Đà 11, Công ty Trường Hải Group, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy thủy điện Sông Côn 2, Cụm cảng hàng không miền Trung, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các trường phổ thông, doanh nghiệp du lịch… “Hầm đường bộ Hải Vân đang sử dụng 98% kỹ sư các ngành điện, điện tử, CNTT; Khu công nghiệp Dung Quất sử dụng 90% kỹ sư hóa lọc dầu; Trường Hải Group sử dụng 80% kỹ sư của trường sau khi tốt nghiệp” – Những con số nhìn qua có vẻ khô khan nhưng là minh chứng thiết thực cho việc phối hợp đào tạo này.
Bên cạnh đó, các ĐH vùng này còn mời các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất tham gia góp ý xây dựng đánh giá phản biện chương trình đào tạo; đánh giá phản biện các luận văn cao học, tiến sĩ, các đề tài khoa học công nghệ. Gửi SV đi thực tập tại các đơn vị tạo ra mối quan hệ cũng như giúp SV cọ xát thực tế, có kỹ năng mềm để tìm cơ hội việc làm.
Thực hiện chỉ thị về đổi mới quản lý giáo dục trong 3 năm qua, các ĐH vùng của khu vực miền Trung đã thực sự tạo được một bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Theo GS.TS Trần Văn Nam, cần phải rà soát chuẩn đầu ra của các trường theo đối sách mức độ đạt được của SV tốt nghiệp so với chuẩn đầu ra của nhà trường làm cơ sở để điều chỉnh, hoàn thiện chuẩn đầu ra theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động.
Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)