Chiều 19-9, đường vào xã Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn bị chia cắt tại các điểm sạt lở trên tuyến đường Lìa, nước chảy rất xiết nhưng các chiến sĩ Công an huyện Hướng Hóa và các ban ngành chức năng vẫn cố hết sức điều khiển thuyền vượt dòng nước xiết để vận chuyển áo quan và các vật tư thiết bị khác vào xã Thuận để tổ chức lễ truy điệu, mai táng anh Hồ Xuân Nguyên, Trưởng công an xã Thuận đã hy sinh trong lúc cứu dân bị ngập lụt.
Ông Hồ Xuân Giỏ, Chủ tịch UBND xã Thuận rưng rưng kể lại: Khoảng 5 giờ sáng 18-9, mưa lớn và nước sông Sê Pôn dâng cao, nhấn chìm một số thôn bản trên địa bàn, anh Nguyên đã cùng với các anh em trong Công an xã, Xã đội và thanh niên xung kích tổ chức đi ứng cứu, di dời bà con ra khỏi nơi nguy hiểm. Mới 38 tuổi, có sức khỏe rất tốt, nhưng vì suốt ngày và đêm 18-9 anh dầm mình trong nước lớn để cứu dân, rồi bị đói và kiệt sức do cảm lạnh nên đến 1 giờ sáng 19-9, khi anh vừa về tới trụ sở UBND xã thì bị ngất xỉu. Anh em chúng tôi đã vội vàng đưa anh tới Bệnh xá đồn biên phòng để cấp cứu, nhưng anh đã không qua khỏi được. Nói đến đó, ông Giỏ bần thần. Nhiều người dân lặng lẽ lau nước mắt. Trong kí ức của bà con Vân Kiều, Pa Cô ở xã Thuận, anh Nguyên là một người cán bộ tận tụy, hết mình. Nơi nào có khó khăn đều có mặt anh. Không chỉ làm việc với tinh thần trách nhiệm mà còn bằng cả tấm lòng nhân ái, sẻ chia.
Đứng trước di ảnh của anh, chị Hồ Thị Phiu, vợ anh cứ ôm chặt lấy ba đứa con nhỏ, mắt ngấn lệ. Ngày mai của chị và các con hẳn sẽ có nhiều khó khăn hơn khi điểm tựa không còn. Chị đau nỗi đau mất chồng, con mất cha nhưng chị và các con tự hào vì anh. Đứng bên chị, ông Hồ Xuân Giỏ ngậm ngùi: “Mất anh, bà con chúng tôi như mất đi một điểm tựa tinh thần. Nhưng sự hi sinh của anh thật cao cả, bà con sẽ không quên ơn anh”.
Bình yên đã trở lại sau bão. Những dấu tích nơi cơn lũ đi qua quả thật lắm kinh hoàng. Xác xơ, tan nát. Già Hồ Khơi (80 tuổi) – một người dân xã Thuận lặng lẽ thu gom mấy tàu lá chuối nước cuốn dạt vào vách nhà, nói: “Lũ qua rồi, cần phải sắp xếp lại cuộc sống để không phụ lòng của cán bộ Nguyên. Vì bà con mà anh ấy đi bỏ lại gia đình, ba đứa con thơ”. Nói rồi, Hồ Khơi lại cặm cụi vun những gốc cây bị bật lên khỏi mặt đất sau lũ. Đất tơi xốp, mặn mòi vị phù sa. Người nông dân một nắng hai sương ở miền biên viễn này vẫn tin rằng, sau lũ đi qua mặt đất sẽ xanh trở lại. Một màu xanh rưng rưng nghĩa tình người chiến sĩ công an Hồ Xuân Nguyên đã quên mình ngã xuống vì bình yên bản làng!
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)