Tòa soạnThư đi – tin lại

Mưu sinh mùa bão lũ

Tạp Chí Giáo Dục

Số lượng cá ít ỏi mắc lưới sau một ngày đi của một thuyền nan ở Bãi Ngang
Cơn bão số 10 càn quét qua các tỉnh nghèo miền Trung. Vùng biển đi qua dải đất này mỗi khi ảnh hưởng bão đều động dữ dội. Dù vậy, vẫn có nhiều ngư dân ở bãi biển Sơn Trà, Đà Nẵng bất chấp sự cảnh báo bão lớn sắp vào đất liền, ra biển kéo lưới mong sao cho đủ cái ăn là mừng…
Con đường cấp phối chạy dọc vào những ngôi nhà thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà những ngày bão vắng hoe; nhiều ngôi nhà, hàng quán cửa đóng im lìm. Một cụ già loay hoay nấu cơm chiều chỉ cho tôi đường về phía biển. Nơi đây, tập trung nhiều ngư dân đang gồng mình kéo lưới, số đông trẻ con và phụ nữ đứng ngóng ở trên bờ. 4 giờ chiều, khi cơn bão số 10 đang càn quét các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh thì rất nhiều ngư dân vùng ảnh hưởng bão thuộc biển Sơn Trà, Đà Nẵng lại tất bật cưỡi sóng kéo lưới ngoài biển. Cứ mỗi lượt kéo mất tầm hơn 1 giờ đồng hồ với sức vóc của 10 người khỏe mạnh. Sau khi chiếc thuyền thúng đưa hai người ra cách bờ tầm trăm mét thì họ buông lưới xuống. Ở trong bờ, các ngư phủ chia làm hai hàng kéo dây ở hai đầu sải lưới. Bàn chân trì xuống lớp cát trắng nhích từng tí một. Bán kính giữa hai đầu lưới nhờ thế thu hẹp dần. Sóng gió làm gương mặt các ngư phủ sạm đen, đôi mắt đăm đăm nhìn về phía biển đang nổi sóng đục ngầu. Hỏi vì sao lại buông lưới khi trời đang có bão? Ngư phủ tên Công, 72 tuổi giọng đượm buồn: “Thông thường trước bão biển dù động nhưng ven bờ có nhiều đàn cá bơi vào. Tranh thủ lúc không thể giong thuyền ra khơi, kiếm ít cá ven bờ. Mùa biển động ở vùng biển Bãi Ngang này bà con chẳng biết kiếm kế gì mưu sinh. Âu cũng vì miếng cơm, manh áo”.

Những đôi chân trì xuống cát, chống chọi với con sóng để mưu sinh mùa biển động

Trong đoàn ngư phủ kéo lưới mùa bão, không chỉ có đàn ông trai tráng mà cả cánh phụ nữ cũng tham gia. Mỗi người đứng cách nhau tầm 20m, thắt lưng đeo một cái đai có buộc sợi dây nắng. Đấy là đầu nối với sợi dây dài của tấm lưới. Khi những bước chân thụt lùi, trì lại với từng con sóng giật lên đến tận bãi cát xa thì người cuối cùng tự động gỡ dây trờ lại mép nước để nối vào và tiếp tục kéo. Công đoạn kéo lưới diễn ra chậm rãi, vững chắc cho đến khi những mắt lưới đầu tiên lộ ra gần bờ biển thì được tiến hành nhanh hơn. Hối hả nhất có lẽ là lúc đáy lưới sắp chạm bờ, các ngư phủ vội vã nâng cao mép phao để chắn những chú cá to chạm mép lưới phóng trở lại ra biển. Mẻ lưới ngày bão chỉ kéo được đôi ba con cá đối kha khá, số còn lại là loại cá hố, cá sơn nho nhỏ.
Nhiều ngư dân ở vùng biển Bãi Ngang – Sơn Trà vẫn còn nghèo. Đánh cá bằng những chiếc thuyền thúng nhỏ bé hoặc tàu thuyền công suất nhỏ. Với chuyến đi 3-4 ngày, khoảng 5 ngư phủ trên một chiếc thuyền đánh được chừng 100kg, chỉ đủ trang trải cuộc sống. Đó là những ngày biển lặng, còn vào mùa biển động, nhất là vào tầm tháng 9, tháng 10 biển động mạnh, thuyền phải nằm bờ thì nhiều nhà còn thiếu cả tiền đong gạo, thiếu học phí cho con đến trường.
Nhìn những ngón chân của người ngư phủ già trì xuống cát, bám biển mưu sinh giữa mùa mưa bão, mới thấm hết nghĩa câu ca “Đừng than phận khó ai ơi” của người dân vùng Bãi Ngang động viên nhau vượt qua muôn vàn gian khổ. Biển cả, thiên tai hung dữ lấy đi của con người nhiều thứ nhưng cũng bao dung cho họ kế mưu sinh, vun đắp niềm hi vọng.
Bài, ảnh: Hàn Giang

Bình luận (0)