Tòa soạnThư đi – tin lại

Vấn đề bạn đọc quan tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Thi hay xét vẫn phải đảm bảo chất lượng

HS thảo luận tại kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2013-2014 ở Hội đồng thi THCS Colette (Q.3, TP.HCM)

Vừa qua, UBND TP.HCM đã ký quyết định cho phép Sở GD-ĐT tổ chức thi tuyển vào lớp 10 công lập. Theo đó, năm học 2014-2015, HS ở 9 quận huyện: Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Tân, Củ Chi, quận 2, 6, 9 trước đây tổ chức xét tuyển vào lớp 10 thì nay phải thi tuyển.
Nên thi hay xét?
Ngay khi văn bản được ban hành, dư luận đã có nhiều tranh cãi về việc nên tổ chức thi tuyển hay xét tuyển? Trên các trang mạng xã hội, HS cũng bàn tán xôn xao về chủ đề này.
Một bạn có nick Karika cho rằng: “Thi tuyển mới công bằng, xét tuyển thì HS trung bình, lười học vẫn được vào trường tốt. Trước đây trường mình cũng thi tuyển, thi trầy trật mới vào được nên HS giỏi khá nhiều. Qua năm sau xét tuyển, HS trung bình cũng vào được trường, lại quậy hơn trước nhiều nên thầy cô khá chật vật trong việc dạy học”.
Về phía phụ huynh, họ vừa mừng, vừa lo. Mừng vì đại đa số cho rằng, ở hình thức thi tuyển con em sẽ chịu khó học hơn, còn lo vì nghĩ rằng thi sẽ khó hơn, khả năng rớt cao hơn. Chị Lê Thị Huyền (Q.Gò Vấp) cho biết: “Con mình mới học lớp 7, năm sau nhà chuyển hộ khẩu về phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức ở. Trước đây, mình được biết quận này tổ chức xét tuyển nên lo là cháu sẽ thiếu động lực để cố gắng trong học hành. Nay có quyết định mới, mình nghĩ cháu sẽ cố gắng hơn nhưng vẫn lo áp lực thi cử khá nặng nề”.
Xét trên thực tế, các quận huyện xét tuyển trước đây cũng gặp khá nhiều khó khăn từ phía phụ huynh. Cô Lê Thị Minh Loan (Trưởng phòng GD-ĐT Q.9) cho hay: “Xét tuyển có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Đối với các quận huyện dư trường lớp thì không có gì khó khăn nhưng đối với những nơi có các trường THPT và chất lượng giảng dạy chưa đồng đều sẽ gặp trở ngại từ phía phụ huynh. Phụ huynh thường muốn con vào các trường đã có uy tín, thương hiệu nhưng khi xét tuyển sẽ theo nguyên tắc phân theo địa bàn cư trú nên một số phụ huynh “chạy” hộ khẩu để con được vào trường mình mong muốn. Chẳng hạn, ở Q.9, Trường THPT Phước Long không lớn nhưng địa bàn này dân rất đông, trong khi đó khu vực gần Trường THPT Long Trường có số lượng dân cư chưa nhiều. Ngay từ lớp 6, lớp 7 nhiều phụ huynh đã lo chuyển hộ khẩu cho con về ở khu vực gần Trường Phước Long, vì thế khi xét tuyển Trường Phước Long thường gặp áp lực từ số lượng HS còn Trường Long Trường lại có nguy cơ thiếu HS. Đó là chưa kể nhiều phụ huynh cảm thấy phân chia không hợp lý, cùng phường nhưng được chúng tôi phân bố theo trường khác nhau cũng kiện cáo trong khi thực chất cùng phường nhưng nếu ở khu phố nào, tổ nào gần trường học nhất chúng tôi mới phân về trường đó”.
Ngoài ra, khi các quận huyện trước đây tổ chức xét tuyển nay chuyển sang thi tuyển đã làm cho một số HS ở địa bàn trước đây thi tuyển lo ngại tính cạnh tranh thi cử sẽ cao hơn. Chẳng hạn, Q.Bình Thạnh giáp ranh với Q.2 và Q.Thủ Đức, nhiều em cho rằng một số HS của các quận này sẽ đăng ký thi vào Q.Bình Thạnh. ThS. Nguyễn Hữu Hạnh (Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh) cho rằng: “Các em không nên lo lắng vì có thi hay xét thì số trường THPT cũng không thay đổi. Hơn nữa, HS ở vùng xét tuyển chỉ trừ những em rất giỏi, đăng ký vào các trường điểm đầu vào cao hay trường chuyên, còn lại chắc chắn cũng chọn những trường có cự ly gần nhà để thuận tiện cho việc đi lại trong 3 năm học THPT. Còn vấn đề giữa thi tuyển tốt hơn hay xét tuyển tốt hơn tôi thấy cái nào cũng có những ưu điểm riêng. Việc thi tuyển sẽ giúp HS có ý thức tự rèn luyện hơn nhưng lại tạo áp lực thi cử. Vì vậy, tôi nghĩ việc thi hay không không quan trọng mà vấn đề là các em nên xác định được vấn đề thi để học hay là học để thi”.
Đảm bảo dạy đúng và đủ chương trình
Mặc dù mới công bố tổ chức thi tuyển vào lớp 10 nhưng các quận huyện tổ chức xét tuyển trước đây đều không hề bất ngờ. Hầu hết, các trường vẫn triển khai kế hoạch dạy và học bình thường như khi chưa có thông báo.
Một lãnh đạo Trường THCS Tân Tiến (huyện Củ Chi) cho biết: “Nhiều năm nay, các trường THPT trên địa bàn huyện Củ Chi đều tổ chức xét tuyển chứ không thi tuyển. Tuy nhiên, khi nghe thông báo này, chúng tôi vẫn không có gì lo ngại. Những năm trước, khi xét tuyển trường chỉ có từ 82-85% HS vào lớp 10 theo quy định của Sở GD-ĐT. Trường còn có nhiều em đạt kết quả cao khi thi vào trường chuyên, lớp chuyên. Vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì việc dạy và học bình thường, chúng tôi tin là dù thi tuyển hay không giáo viên cũng dạy hết sức mình để nâng cao chất lượng học tập cho các em HS”.
Đồng tình với ý kiến này, thầy Dương Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ, chia sẻ: “Cần Giờ có 3 trường THPT phân bố đồng đều ở đầu, giữa và cuối huyện nên thuận lợi cho việc di chuyển của các em HS. Tôi nghĩ các trường THPT sẽ không gặp khó khăn gì trong khâu thi tuyển, các trường THCS thì dù thi hay không vẫn đảm bảo dạy đúng và đủ chương trình nên phụ huynh và HS hãy yên tâm”.
Hầu hết ban giám hiệu trường và lãnh đạo các quận huyện đều thừa nhận thi cử sẽ tạo tâm lý tích cực hơn cho phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường giáo dục HS. Các trường luôn cố gắng để đạt chất lượng hơn nhưng vẫn còn một số phụ huynh chưa hợp tác với nhà trường để tạo điều kiện học tập cho HS. “Tôi nghĩ, khi nghe tin năm nay thi tuyển, một số phụ huynh sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc học của con ở trường, vì vậy sẽ tạo điều kiện tốt để kết hợp 3 yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội vào việc giáo dục”, cô Lê Thị Minh Loan chia sẻ.
Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)