Trẻ em cần được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ đúng mức để hoàn thiện và phát triển
|
Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giúp trẻ thực hiện quyền của mình theo công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em được ký kết vào tháng 2-1990 vẫn chưa được các địa phương quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo hành, buôn bán, bị bóc lột sức lao động vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nhiều vấn đề nhức nhối
Theo Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH): Hàng năm, cả nước có khoảng 3.000-4.000 vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em với khoảng 900 em là nạn nhân, đặc biệt nghiêm trọng là một số nạn nhân mới chỉ ở độ tuổi 5-8 tuổi. Bên cạnh đó, cả nước vẫn còn hàng chục ngàn trẻ em trong độ tuổi 8-15 phải lao động trong điều kiện nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, trong số này có một số em phải bị bóc lột sức lao động ở mức thậm tệ như phải bán hàng rong ban đêm đến khoảng 2-3 giờ sáng, phải bán báo thuê suốt cả ngày.
Ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Với đường dây nóng phím số diệu kỳ 18001567 dành cho việc giải đáp, tư vấn và hỗ trợ cho trẻ em, trung tâm đã nhận được rất nhiều cuộc gọi liên quan về các vấn đề liên quan đên tâm sinh lý, mâu thuẫn, bạo hành gia đình… Số cuộc gọi tư vấn không ngừng tăng qua các năm từ 113.000 cuộc (năm 2010) đến 246.507 cuộc (2011) và 379.647 (năm 2012). Mỗi ngày đường dây nhận ít nhất khoảng 300 cuộc gọi, ngày nhiều nhất là 2.000 cuộc gọi từ các em nhỏ. Trong số các cuộc gọi đến, không ít trường hợp là các em nhỏ bị bỏ rơi, sang chấn tâm lý, bị bạo hành, mua bán và xâm hại tình dục, nhất là độ tuổi từ 15-18 tuổi, sau đó là nhóm 11-14 tuổi. Trong năm 2012 có sự gia tăng đột biến số cuộc gọi về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ em, đặc biệt là những em có vấn đề khủng hoảng, rối nhiễu tâm lý. “Ở nhiều vụ việc xâm hại, phụ huynh thường chỉ quan tâm tới việc kiện cáo, truy tìm thủ phạm chứ không hề quan tâm tới vấn đề tâm lý, sức khỏe của con em mình sau khi bị xâm hại. Nhân viên tư vấn của đường dây rất nhiều lần nhận được cuộc gọi mang tính chất “thông báo” theo kiểu “ngày mai con sẽ tự tử” hoặc “con sẽ bỏ đi khỏi nhà ngay đêm nay” do ảnh hưởng của một sự việc nghiêm trọng nào đó” ông Dũng cho biết.
Ở góc độ khác, bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận: Ngôi Nhà Bình Yên – mô hình nhà tạm lánh dành cho những phụ nữ gặp vấn đề về bạo hành và mua bán người – vẫn thường tiếp nhận trường hợp những trẻ em đi cùng với mẹ do bị bạo hành gia đình. “Hầu hết các em vào với một thân thể bầm dập những vết thương và tinh thần hoảng loạn. Chúng tôi phải can thiệp tâm lý trong suốt một thời gian dài mới phục hồi trở lại”.
Thờ ơ với nạn bạo hành
Dù tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại, ngược đãi liên tiếp xảy ra trong thời gian qua nhưng công tác phát hiện, báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng không được các địa phương nắm bắt do thiếu đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bà Lê Thị Phương Nam, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng – cho biết: Tính đến tháng 6-2013, đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em thôn, ấp bản là 61.794 người nhưng đa phần chỉ làm công tác kiêm nhiệm nên việc đôn đốc, thúc đẩy thu thập thông tin về trẻ em còn hạn chế. Ngoài ra, hệ thống tư pháp của nước ta hiện nay mới chỉ chú trọng phòng ngừa, xử lý trẻ em vi phạm pháp luật chứ chưa quan tâm tới vấn đề khác liên quan như trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tham gia tố tụng, chưa có tòa án riêng cho đối tượng trẻ em và người chưa thành niên… Chính những nguyên nhân đó đã ảnh hưởng tới quá trình tố giác, xử lý và hỗ trợ các vụ việc liên quan đến trẻ em.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc các vụ xâm phạm, bạo hành trẻ em được phát hiện chậm và xử lý chưa kịp thời là do quan niệm về xâm hại, bạo hành trẻ em chưa rõ ràng. Ông Đặng Hoa Nam, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, nhìn nhận: Ở các nước phương Đông (đặc biệt là Việt Nam) thì quan niệm sử dụng vũ lực, kỷ luật để dạy con là điều rất bình thường. “Ai cũng nghĩ vậy nên các vụ việc bạo hành với trẻ em xảy ra ngay trước mặt, được nhiều người biết nhưng lại không ai báo cáo với cơ quan chức năng. Chỉ những trường hợp vi phạm về thân thể dẫn đến thương tích bên ngoài mới được các cơ quan truyền thông phát hiện và thông tin, sự việc mới được xử lý. Do đó, điều cần thiết để hạn chế nạn bạo hành trẻ em là phải thay đổi quan niệm về sử dụng hành vi bạo lực đối với trẻ em, nhất là các nơi thuộc vùng sâu, vùng xa”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Theo bà Lê Thị Phương Nam, trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan tiếp tục giải quyết các kiến nghị được nêu tại các báo cáo giám sát chuyên đề về bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em; về đầu tư, quản lý và sử dụng cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em, trong đó tập trung cho việc rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. |
Bình luận (0)