Tòa soạnThư đi – tin lại

Học viên không “ngán” nghề khó

Tạp Chí Giáo Dục

Một số học viên nữ thử nghề sửa chữa máy tính tại chương trình

Vừa qua, chương trình hướng nghiệp “Học nghề – bước kế tiếp cho tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm GDTX Nhà Bè. Các học viên đã được trải nghiệm, thử nghề ngay tại sân trung tâm. Theo đó, có không ít học viên nữ lại chọn thử nghề khó, còn các học viên nam thì thích những nghề mà lâu nay được xem chỉ dành cho phụ nữ…
Phái yếu thích… làm bartender
Các nghề sửa chữa máy tính, bartender tưởng chừng như chỉ dành cho “phái mạnh” thì nay nó đang ngày càng thu hút sự chú ý của các bạn nữ ở các trung tâm GDTX.
Em Phạm Thị Hồng Tươi (học viên lớp 12A2, Trung tâm GDTX Nhà Bè) sau khi xem phần biểu diễn bartender xong, cho biết: “Em rất thích nghề pha chế, do đó em muốn theo học nhưng lại biết rất ít thông tin về nghề này. Thậm chí em cũng chưa biết học ở đâu là tốt nhất. Vì vậy, qua chương trình, em có thêm cơ hội để hỏi kỹ hơn, đặc biệt là gặp những người làm trong nghề để được nghe chia sẻ thêm về khó khăn, thách thức trong nghề”.
Quả thật, nghề bartender mới thịnh hành trong vài năm trở lại đây nên có rất ít trường đào tạo, vì thế các bạn trẻ muốn tìm hiểu sâu về nghề này cũng không hề đơn giản. Anh Đinh Quang Nam (một bartender có kinh nghiệm làm việc 6 năm, hiện đang làm ở Chill Sky bar, Q.1) cho biết: “Trước đây tôi làm việc ở Nha Trang, do không có trường nào đào tạo nghề bartender nên tôi tự học là chính. Vì thế, khi vào TP.HCM, tôi đăng ký học một lớp ngắn hạn ở Trường TC Nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt để nâng cao tay nghề. Mới vào nghề, chuyện bị va chạm, trầy xước là bình thường. Học nghề này không quá khó, chỉ cần có đam mê là được, đặc biệt là phải biết cách pha trộn, còn biểu diễn chỉ là một phần thể hiện để thu hút khách hàng”. Anh Nam cho biết thêm, cách đây 6 năm, trong giới bartender không hề có nữ, nhưng vài năm gần đây số bạn nữ theo học nghề này khá đông. Lợi thế mà các bạn nữ có được (nhiều hơn nam) chính là yếu tố ngoại hình và khả năng giao tiếp. Vì thế, thu nhập của nữ thường nhiều hơn của nam. Theo thông tin từ Trường TC Nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt, tỷ lệ nam – nữ đang học nghề bartender tại trường là 50/50.
Từ khi máy tính có mặt tại Việt Nam, nghề sửa chữa máy tính dường như chỉ dành cho nam giới. Tuy nhiên, hiện nay phái yếu cũng khá quan tâm đến nghề này. Trong phần thử nghiệm với nghề, không ít bạn nữ hăng hái giơ tay xin được thử để biết liệu mình có khả năng thành công với nghề này hay không. “Nghề này không đòi hỏi nhiều năng lực, tố chất mà cần có đam mê. Tốt nghiệp THCS, các em có thể vừa học nghề này vừa học văn hóa ở bậc TCCN. Thông thường, chúng tôi thấy đào tạo nghề này nữ có lợi thế hơn nam bởi nữ chịu khó, lại cẩn thận, tỉ mỉ nên thường được doanh nghiệp chú ý. Hầu hết các em nữ tốt nghiệp nghề sửa chữa máy tính ở trường chúng tôi đều có việc làm ổn định. Ngoài ra, khi đăng ký học, Trường iSpace còn có chế độ giảm 20% học phí cho học viên nữ”, ông Tăng Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ iSpace, cho biết.
Phái mạnh chọn làm… bếp
Hiện nay, hầu hết đầu bếp nổi tiếng đều là nam giới nên nhiều bạn nam cũng đã xóa mặc cảm “nghề này chỉ dành cho phụ nữ” để đăng ký học theo đúng sở thích, niềm đam mê của mình.
Em Nguyễn Hoàng Duy (lớp 10A2, Trung tâm GDTX Nhà Bè) thắc mắc: “Em dự định sẽ học nghề đầu bếp nên muốn biết thời gian học nghề này trong bao lâu và cơ hội việc làm như thế nào?”.
Bà Lê Nguyễn Ái Thiên Anh (Trợ lý Ban giám hiệu Trường TC Nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt) cho hay: “Trường chúng tôi đào tạo nghề đầu bếp theo hệ ngắn hạn (khoảng 2 đến 3 tháng) và hệ TC (2 năm). Sau khi tốt nghiệp, tìm được việc làm có thu nhập cao hay không tùy thuộc vào chuyên môn của người học. Tuy nhiên có một số học viên chưa ra trường đã được các nhà hàng, khách sạn mời làm việc với mức lương cao. Hiện trường có khoảng 70% nam đang theo học nghề đầu bếp. Học nghề này, nam có lợi thế hơn nữ ở chỗ sức chịu đựng cao, tâm lý ổn định chứ không hề bị phân tâm như phụ nữ khi gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống; đồng thời khả năng tập trung cao nên được nhiều nhà hàng, khách sạn tuyển dụng”.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, chia sẻ: “Học viên trung tâm GDTX có thể đăng ký học nghề ngắn hạn ở trường nghề mà vẫn đảm bảo lịch học văn hóa vì các trường nghề có thể sắp xếp thời gian giảng dạy buổi tối cho các em. Ngoài ra, với những học sinh chưa tốt nghiệp THPT, đăng ký học nghề ở TCCN, các em sẽ vừa được học nghề vừa được học văn hóa”.
Bài, ảnh: Minh Châu

 

Bình luận (0)