Tòa soạnThư đi – tin lại

Hãy trả lại thế giới đồng dao cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Trò chơi dân gian “rồng rắn lên mây

Ngày xưa, mà không phải xa xưa gì, chỉ khoảng hơn 10 năm về trước, chúng ta vẫn còn nghe trẻ hát đồng dao “Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc…”, “Tập tầm vông tay không tay có, tập tầm vó tay có tay không…” hay là “Thả đỉa ba ba, Chớ bắt đàn bà, Tha tội đàn ông, Cơm trắng gạo trắng”… Mỗi lần nghe lũ trẻ hát, lòng tôi lại nao nao, bao kỷ niệm tươi đẹp về tuổi thơ chợt bừng dậy. Tôi có một tuổi thơ tuyệt vời từ những bài đồng dao con trẻ và những trò chơi dân gian. Những ước mơ của tôi từng ấp ủ từ đồng dao, những khao khát từ đồng dao, lớn lên từ đồng dao. Nơi ấy biết bao bè bạn, nơi ấy rộn rã tiếng cười, nơi ấy ăm ắp yêu thương. Tuổi thơ như vậy, làm sao không đáng nhớ, đáng yêu!
Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, công nghệ thông tin phát triển chóng mặt. Từ điện thoại di động cho đến máy vi tính, laptop… rồi iPad, iPhone ào ào ra đời. Kèm với sự phát triển công nghệ thông tin, hàng loạt game online, game mini… được tung ra thị trường. Trong đó, nhiều game bạo lực và khiêu dâm rất có hại cho trẻ. Lợi dụng chế tài quản lý về mặt Nhà nước trong lĩnh vực này còn lỏng lẻo, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã tận dụng tối đa để thu cho thật nhiều lợi nhuận. Chính vì vậy, vô tình gây nên tác hại lớn đối với trẻ em. Ngay cả những vùng quê nghèo, “bóng đen” của game online cũng trờ tới gây hại. Thật buồn và xót xa khi trẻ suốt ngày chơi game, mê game. Trong khi các bậc phụ huynh mải lo làm ăn, họ đã quên mất một việc quan trọng: Giáo dục, chăm sóc con cái.
Khi nói đến việc trẻ em ngồi quá lâu trước màn hình, thường người ta nghĩ tới hậu quả là sẽ bị cận thị. Đối với trẻ, đôi mắt chưa phát triển toàn diện, khả năng mắc bệnh càng cao. Nhìn vào một lớp học bậc tiểu học và THCS thông thường ở thành thị, dễ dàng nhận ra trên 50% học sinh phải mang kính hỗ trợ thị lực. Đa phần các em đeo kính đó đều có thời gian ngồi trước màn hình vi tính từ 2 đến 4 tiếng mỗi ngày.
Bên cạnh tác hại cho mắt, việc ngồi lâu trước màn hình cũng gây ra nhiều biến chứng tiêu cực đối với sức khỏe. Trẻ vận động kém, chậm chạp, nguy cơ mắc chứng béo phì, ung thư cao hơn trẻ bình thường. Đối với game online, trẻ em ngồi chơi nói tục một cách thô bỉ. Ngôn ngữ qua mạng xã hội trở nên méo mó, toàn những ký hiệu khó hiểu. Đối với trẻ chơi game bạo lực, chúng trở nên chai sạn, máu lạnh như sát thủ. Không ít trẻ vị thành niên sẵn sàng đánh, thậm chí giết cả ông bà để cướp vài chục ngàn đồng chơi game. Đối với trẻ chơi game khiêu dâm, xem các trang mạng đồi trụy thì dễ dậy thì sớm, nguy cơ mắc các bệnh về sinh lý cao. Bên cạnh đó, ngồi lâu trước máy vi tính làm khả năng đọc chậm phát triển, trẻ cũng hạn chế khả năng giao tiếp, ít bạn bè, sống thiếu thực tế… Vì vậy, để bảo vệ cho sức khỏe, tâm lý, tình cảm của trẻ, các bậc phụ huynh cần kiểm soát chặt chẽ thời gian ngồi trước màn hình của trẻ, đồng thời kiểm soát cả nội dung.
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học, nhà sinh học người Anh Aric Sigman thì tác hại của việc ngồi lâu trước máy vi tính còn lớn hơn rất nhiều. Ngoài nguy cơ cao bị cận thị, béo phì, ung thư còn dễ bị kém phát triển não, dễ bị bệnh tiểu đường, mất trí… Ông Sigman khẳng định trẻ em dưới 3 tuổi tuyệt đối không nên xem ti vi và chơi vi tính, trẻ em từ 3 đến 5 tuổi chỉ được phép xem không quá nửa tiếng. Trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 12 tuổi có thể xem 1 tiếng mỗi ngày và thiếu niên thì được xem 1 tiếng rưỡi.
Hiện nay, hoạt động ngoại khóa của nhà trường không nhiều, sân chơi cho trẻ quá thiếu. Trong lúc đó, hầu như gia đình nào cũng có máy vi tính, con nhỏ đòi chơi thì cũng cho, nuông chiều quá mức sinh ra những nguy cơ thực tế như trên. Điều đáng báo động là trẻ chơi game, ngồi lâu trước ti vi, máy vi tính thì càng trầm, có vẻ mất tự tin và mất phương hướng. Nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ nặng. Vậy chúng ta phải làm gì để chấn chỉnh ngay thực trạng đáng buồn này?
Hãy trả lại cho trẻ nhỏ những gì thuộc về chúng. Đó là các trò chơi dân gian, những bài hát đồng dao, những đám bạn nô đùa. Chính những thứ tưởng như lỗi thời ấy sẽ tạo sự cân bằng về thể trạng, tâm lý cho trẻ. Chính các bài đồng dao rèn luyện trí nhớ, dạy những vần điệu thơ ca đầu đời cho trẻ. Đồng dao cũng là một kho từ vựng phong phú, một cuốn từ điển sống, khơi gợi sự tò mò của trẻ. Mỗi bài đồng dao thường gắn với một trò chơi dân gian tương ứng. Ví dụ trò “rồng rắn lên mây”, trò “dung dăng dung dẻ”, trò “kéo cưa”, trò “chuyền thẻ”… Các trò chơi đều đòi hỏi sự vận động cơ thể và sự sáng tạo, nhanh trí. Qua đó, trẻ rèn luyện sức khỏe và kỹ năng rất tốt. Có một điều rất quan trọng đáng lưu ý nữa là những trò chơi dân gian đều là trò chơi tập thể, vì vậy trẻ sẽ rèn luyện được tính tập thể, rèn luyện tình đồng đội. Đồng thời chúng sẽ dễ hòa nhập trong cộng đồng. Và hơn hết, trò chơi dân gian và những bài đồng giao luôn cho trẻ những niềm vui bất tận, nụ cười trong sáng, ước mơ diệu kỳ. Những câu ca như “Bí ngô là cô đậu nành. Đậu nành là anh dưa chuột. Dưa chuột cậu ruột dưa gang. Dưa gang cùng hàng dưa hấu. Dưa hấu là cậu bí ngô”, dạy cho trẻ tình yêu thương gia đình, yêu thương bè bạn. Và được như thế, trẻ sẽ có một tuổi thơ trọn vẹn, tươi đẹp biết bao. Tóm lại, đồng dao và trò chơi dân gian mang tính giáo dục rất cao, dạy trẻ những thứ ấy sẽ không bao giờ thừa. Đồng dao và trò chơi dân gian có một sức hút lạ kỳ đối với trẻ, vì vậy không lo là trẻ “chê”. Vấn đề là các bậc phụ huynh chúng ta có tạo điều kiện cho trẻ không mà thôi.
Đối với người làm cha làm mẹ, không thể lấy lý do “bận rộn” với công việc làm ăn mà xao nhãng giáo dục con cái được. Ai cũng có những giây phút cho gia đình, hãy dành những giây phút quý báu đó cho việc giáo dục con trẻ. Sự phát triển cân bằng về sức khỏe, tâm sinh lý sẽ làm nền tảng cho trẻ sau này. Không nên quá nuông chiều con, giao hết trách nhiệm dạy dỗ về phía nhà trường. Trong thời đại công nghệ thông tin đang dần chiếm lĩnh thời gian và thao tác cuộc sống, việc giáo dục con cái bằng những bài đồng dao, những trò chơi dân gian sẽ hết sức hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực. Làm được như vậy, là trả lại cho trẻ một không gian phù hợp với lứa tuổi, với tâm hồn. Có thể gọi đó là “chơi mà học” vậy!
Thân Nguyễn Luận

Bình luận (0)