GV Trường MN 7 (Q.3, TP.HCM) đang chơi đùa cùng trẻ
|
Hành vi phản sư phạm của hai “bảo mẫu” tại một cơ sở giữ trẻ chưa được cấp giấy phép thuộc địa bàn quận Thủ Đức đã làm cho không ít phụ huynh (PH) hoang mang, lo sợ khi có con đang gửi ở nhà trẻ, trường mầm non tư thục…
GVMN chịu áp lực cao
Việc trẻ biếng ăn, ăn chậm là một trong những khó khăn mà các bảo mẫu ở trường MN gặp phải và đây cũng là một trong những áp lực khá lớn của bảo mẫu vì nếu trẻ không tăng cân, PH sẽ không tin tưởng giao con cho họ. ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền (giảng viên Khoa Tâm lý – Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM) đã từng làm khóa luận tốt nghiệp 8 tháng ở một trường MN cho biết: “Nuôi dạy trẻ MN là công việc nặng nhọc và áp lực kinh khủng. Nhiều bạn cho rằng, nếu biết làm không nổi thì đừng có làm, không yêu trẻ thì đừng làm. Đó là khi bạn chưa thực sự trải nghiệm một ngày với một lớp chừng 20 đến 50 bé. Hầu hết GVMN đều yêu trẻ nhưng cũng có lúc “phát điên” với trẻ. Tôi đã tới trường MN 2 lần/tuần và đóng vai bảo mẫu cho 1 lớp lá gồm 47 bé với 2 cô giáo. 47 trẻ này như là một cái chợ, các bé im lặng được chừng 5 phút là mình mừng lắm rồi, chẳng có giờ phút nào mà các bé không khóc lóc, la hét, cấu véo lẫn nhau… Đó là chưa kể đến giờ ăn, trong lớp chỉ cần khoảng 5 bé biếng ăn, ăn rất chậm là bảo mẫu phải ngồi đút hơn 1 tiếng đồng hồ mới được…”.
Nhiều người đang công tác trong các trường MN cũng đồng tình với những khó khăn này của GV. Tuy nhiên, nếu GV thực sự có tâm và rèn luyện tính kiên nhẫn, kiên trì thì không quá khó để giải quyết khó khăn này.
Cô Vũ Đỗ Thúy Hiền, Hiệu trưởng Trường MN 7 (Q.3) cho biết: “Trường mình mỗi lớp có 25 đến 27 bé. Mỗi bữa ăn cô phải chuẩn bị từ 10 giờ nhưng có lúc đến 11 giờ một số bé ăn chậm vẫn chưa xong. Đối với những bé này, GV phải kiên nhẫn cho bé ăn từ từ chứ không thể ép. Ngoài ra, GV nên trao đổi với PH về những loại thức ăn bé bị dị ứng hoặc bé không thích để có cách giải quyết. Còn với những trẻ hiếu động, GV nên cho bé chơi các trò chơi tĩnh như xâu cườm, vẽ tranh… để rèn cho bé tính tập trung”.
Đồng tình với ý kiến này, cô Nguyễn Thị Xuân Sang (Hiệu trưởng Trường MN Đông Bắc, Q.1) chia sẻ: “Bé không thích ăn thì GV không nên ép mà dụ dỗ bé chơi rồi đút ăn từ từ. Điều này rất mất thời gian nên GV cần có lòng kiên nhẫn. Ngoài ra, cuối tuần GV nên gửi sổ liên lạc qua email cho PH để PH biết tình hình ăn, uống, sinh hoạt của bé trong tuần qua. Đồng thời, đưa luôn thực đơn tuần mới cho PH xem để PH tránh cho bé ăn buổi tối ở nhà trùng lắp với ở trường…”.
Dấu hiệu trẻ bị bạo hành
Để hạn chế nạn bạo hành, phụ huynh cần để ý quan tâm đến con nhiều hơn. Trong ảnh: Giờ vui chơi của các bé Trường MN tư thục Vân Anh (Q.10, TP.HCM). Ảnh: Q.Huy
|
Không khó để nhận thấy trẻ có biểu hiện bị bạo hành, chỉ cần PH biết quan tâm, lo lắng đến trẻ một chút thì sẽ nhận ra. Mới đây, ThS. tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng chia sẻ trên trang cá nhân của mình 6 cách để giúp PH phát hiện các dấu hiệu nhận biết này. ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ: Về mặt tâm lý, bé luôn gào khóc không muốn vào lớp dù đã qua tuần lễ đầu tiên, bé thể hiện sự sợ hãi khi thấy cô giáo, bé lầm lỳ nhút nhát hay ngược lại, dễ cáu gắt, bùng nổ cảm xúc. Ngoài ra, bé thấy cơm là sợ hãi hoặc ở nhà thì ăn nhưng vào lớp hay bị cô méc là biếng ăn, bé hay gặp ác mộng, thường xuyên giật mình giữa đêm rồi khóc. Còn về mặt sinh lý, nếu bé có vết bầm, xước trên người nên hỏi han, khơi gợi chuyện cho trẻ. Nếu trẻ ở lớp chồi hay lớp lá đã biết nói thì PH nên thường xuyên tập cho trẻ kể chuyện ở lớp, ở trường. Nếu trẻ chưa biết nói, cha mẹ nên thỉnh thoảng ghé thăm con với những lý do hợp lý như đưa thuốc, sữa, đồ thay cho bé…
Trong những dấu hiệu nhận biết trên, hầu hết GV cho rằng dấu hiệu nhận biết dễ nhất là thái độ của trẻ khi đến trường. “Nếu cô yêu mến trẻ thì lúc vào lớp bé sẽ không sợ hãi mà chắc chắn là rất vui vẻ, trừ trường hợp một vài tuần đầu bé chưa quen với môi trường mới mà thôi”, cô Nguyễn Thị Xuân Sang chia sẻ.
PH cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn
Hiện nay, nhiều PH bận bịu với việc làm, phó mặc trẻ cho nhà trường nên khi trẻ bị bạo hành, PH cũng không hề biết. “PH gửi con tới trường cần phải quan tâm chứ không phó mặc cho thầy cô, rồi khi có sự việc xảy ra thì chỉ trách nhà trường. Sự việc hai cô giáo bạo hành trẻ gần đây cũng có một phần lỗi của PH. Có PH hồn nhiên kể thấy con hay khóc, đêm ngủ mớ, nét mặt sợ hãi vậy mà không nghĩ ngợi gì. Khi gửi con, chỉ biết cô Đông Phương có bằng ĐH, cũng không quan tâm cô cùng nuôi dạy hàng ngày là cô Thiên Lý kia thế nào…”, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ.
Một trong những vấn đề PH đang rất lo ngại là bạo hành sẽ dẫn đến hậu quả gì đối với trẻ. Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Diễm My (Trung tâm Tư vấn và đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt) cho hay: “Bạo hành gây ra cho trẻ những tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý. Trẻ sẽ thấy sợ hãi khi đến trường, trong nhận thức trẻ có những cái nhìn tiêu cực về trường học. Từ đó, trẻ sẽ kém hoặc mất đi khả năng thích nghi ở lứa tuổi nhà trẻ và cả những cấp học cao hơn. Trẻ bị bạo hành thường đi kèm với những dấu hiệu trầm cảm, lo âu ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ, cách nghĩ về bản thân và sự việc xung quanh. Trẻ con là lứa tuổi của bắt chước, do đó cách cô đối xử với trẻ như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ vì trẻ sẽ dễ dàng bắt chước. Những hành động như bóp cổ, gí đầu xuống đất, tát bôm bốp vào mặt trẻ… là một trong những nguyên nhân hình thành tính bạo lực sau này của trẻ…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Chấn chỉnh hoạt động giáo dục mầm non
Ngày 19-12, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Xung quanh vụ việc bạo hành trẻ tại nhóm trẻ Phương Anh ở Q.Thủ Đức, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP để ban hành chỉ thị mới về “Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường mầm non và cơ sở giáo dục mầm non”. Trong đó có hai giải pháp căn cơ. Thứ nhất là tập huấn cho các bà mẹ đang chăm sóc con nhỏ, những người đang nuôi dạy trẻ trên địa bàn. Theo đó, những người này sẽ được tập huấn về các kỹ năng cơ bản trong việc chăm sóc trẻ như cho trẻ ăn, ngủ, phát hiện và sơ cấp cứu những trường hợp khẩn cấp… Giải pháp thứ hai là yêu cầu các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty, xí nghiệp có đông công nhân phải dành quỹ đất để xây dựng nhà trẻ. “Dự kiến đầu tuần tới, UBND TP sẽ ký ban hành. Lúc đó, Sở GD-ĐT TP sẽ tổ chức hội nghị triển khai”, ông Hoàng cho biết thêm.
Trước đó, sau khi vụ việc bạo hành trẻ tại nhóm trẻ Phương Anh được phơi bày, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP đã có buổi làm việc với UBND Q.Thủ Đức, UBND P.Hiệp Bình Phước (nơi nhóm trẻ Phương Anh trú đóng). Tại đây, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP đã đề nghị chính quyền địa phương Q.Thủ Đức phải xử lý nghiêm đối với hành vi bạo hành trẻ của bà Nguyễn Lê Thiên Lý và bà Lê Thị Đông Phương (chủ nhóm trẻ Phương Anh).
Chiều 19-12, ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức cũng cho biết đã chuyển tất cả những trẻ ở nhóm trẻ Phương Anh sang các trường MN công lập và tư thục (được cấp phép) trên địa bàn quận.
H.Triều
Cách nào để nhận biết trẻ bị bạo hành?
Về mặt thể chất/ sinh lý: Nếu do cô giáo cấu, nhéo mà nói là bạn của trẻ làm thì coi kỹ vết thương, trẻ cấu nhau sẽ ở những vị trí dễ thấy, các cô thì để giấu PH sẽ cấu, nhéo những chỗ khó thấy. Hơn nữa tay trẻ nhỏ, vết cấu không thể lớn được. Ở nhà, trẻ lười ăn, hay nôn ọe dù trước đó không có biểu hiện này. Về nguyên nhân có thể do trẻ ăn chậm, không hợp thức ăn ở trường, ăn ít nên cô giáo thường ép ăn, dọa nạt, khiến trẻ “sợ ăn” hơn. Ở trường “vừa ăn, vừa khóc” nên hay nôn ọe, về nhà dù không bị dọa nhưng hễ đưa thức ăn vô miệng thì phản xạ có điều kiện kia có thể xuất hiện…
Về mặt tinh thần/tâm lý: Mỗi sáng thức dậy, trẻ khóc lóc, tỏ ra sợ hãi, không muốn tới trường dù những ngày đầu, mọi việc không nghiêm trọng như vậy. Khi tới trường, trẻ nắm tay hoặc ôm PH rất chặt, nhìn thấy cô, trẻ khóc to hơn hoặc khi cô kêu nín khóc, trẻ nín nhưng quan sát kỹ ánh mắt, nét mặt của trẻ khi nhìn cô vẫn chứa đựng sự e dè, sợ sệt; khi bé phạm lỗi ở nhà, ăn chậm, không chịu ngủ… PH thử dọa mách cô giáo, nghe đến tên cô mà trẻ mếu máo, tỏ thái độ sợ hãi ngay lập tức thì cũng có nhiều khả năng ở trường, cô giáo đã khá “nghiêm khắc trong trừng phạt” với trẻ; trẻ vốn hiếu động, vui vẻ nhưng sau một thời gian tới trường thì lầm lì, ít nói, hoặc hay ăn vạ, có tính gây hấn với mọi người xung quanh thì khoảng thời gian 8 tiếng “sống trong sợ hãi” ở trường có thể là lý do khiến trẻ thay đổi tâm tính.
(ThS. tâm lý – giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền)
|
Bình luận (0)