Có điện, việc học tập của các em sẽ thuận lợi hơn. Trưởng ấp 61 phát học bổng cho các em học sinh khá trong một chương trình từ thiện
|
Năm nay, người dân ấp 61 thuộc Nông trường cao su Ông Quế, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai sẽ đón Tết vui hơn vì được kéo điện sau mấy chục năm phải sống chung với đèn dầu…
Nông trường cao su Ông Quế hình thành được mấy chục năm nay, nằm biệt lập giữa bốn bề cao su bạt ngàn và cách trung tâm xã hơn 7km. Để vào được ấp này phải đi qua những con đường ngoằn ngoèo, lởm chởm sỏi đá.
Toàn ấp có gần 50 hộ dân, chủ yếu là dân nông nghiệp nghèo, trình độ văn hóa hạn chế, không có đất canh tác, quanh năm suốt tháng chỉ biết đi làm thuê cuốc mướn bên những gốc cà phê cằn cỗi vì thiếu nước và được trồng xen canh cây bắp, cây rau.
Cả ấp chỉ có 1 cái ti vi màu
Cái nghèo cứ bám lấy người dân ấp 61 như hình với bóng suốt thời gian dài vì không có điện. Điều này đồng nghĩa với việc người dân không được tiếp xúc nhiều với thông tin truyền thông, sản xuất cũng thô sơ và tốn kém. Ông Hồ Văn Có, người dân nơi đây cho biết: “Bà con muốn lắp giàn hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước nhưng đành bỏ cuộc vì không có điện”. Cùng tâm tư trên, anh Thổ Mây chia sẻ: “Nếu có điện thì trồng cà phê này nọ, không có điện thì không làm gì được. Con cái học hành cũng khó huống gì là trồng trọt”.
Chính vì không có điện nên đã hạn chế rất nhiều đến đời sống của người dân lẫn việc học của các em nơi đây. Đến nhà nào chúng tôi cũng thấy toàn là những đồ dùng sinh hoạt đơn sơ, ngay bàn học của các em nhỏ cũng là chiếc đèn dầu hoặc vài cây đèn cầy đang thắp dở. Người dân ở đây cho biết, do thiếu đồ dùng học tập nên nhiều em chán nản bỏ học ra đồng phụ giúp gia đình. Ông Nguyễn Thành Long nói: “Bà con rất muốn tìm hiểu thông tin, khoa học kỹ thuật nhưng lại không có điều kiện, cả xóm có 2 ti vi trắng đen thì bị hư lên hư xuống, làm ăn cảm tính, được chăng hay chớ. Vùng đất này có tiềm năng rất lớn, có thể thành lập trang trại chăn nuôi nhưng chỉ tiếc là thiếu nguồn điện”.
Không có điện, ấp 61 đa phần sử dụng đèn dầu hoặc bình sạc để thắp sáng. Loại bình này thường chỉ dùng được 1 tuần, sau đó phải mang ra tận ngoài xã để nạp năng lượng. “Dùng bình ắc quy của xe máy để thắp sáng nhưng ánh đèn le lói chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn. Mỗi khi hết bình thì phải mang ra tít ngoài xã để sạc và chỉ được vài lần thì thôi hẳn vì đường xa quá”, ông Long cho biết.
Học hỏi từ nhiều người, ông Lê Văn Lũy đầu tư chăn nuôi và sử dụng biogas để chạy máy phát điện. Nhờ có nguồn điện này, ngoài thắp sáng, sử dụng điện trong sinh hoạt, ông còn sử dụng để hỗ trợ thêm trong việc sản xuất nông nghiệp. Ông cũng là người duy nhất trong ấp có được chiếc ti vi màu. Gọi là hỗ trợ chứ lúc có lúc không vì điện từ máy phát rất chập chờn. Ông Lũy tâm sự: “Không có điện nên chẳng ai mặn mà với việc sắm sửa cho gia đình. Muốn sạc pin điện thoại cũng phải chạy đi rất xa để sạc nhờ. Không có điện, lại ở vùng thiếu nước, các loại cây không được tưới đủ trở nên khô cằn, phải chạy máy tưới thì tốn thêm tiền xăng dầu. Không có điện, việc chăn nuôi cũng hạn chế, chuồng trại được xây lên đành bỏ không mà lại phải mang nợ vì vốn đầu tư”.
Trong khi đó, ông Mai Thanh Hùng – Phó chủ tịch UBND xã Sông Nhạn cho biết: “Trước đây, khu 61 chưa có điện là do khoảng cách đường sá quá xa, kinh phí để kéo điện về rất lớn. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã làm đề án trình lên cấp trên và sẽ cố gắng có điện sớm cho bà con đón Tết”.
Lộc đầu năm cho xóm nghèo
Người dân chung tay kéo đường dây điện để thắp sáng ấp 61 |
Với sự quyết tâm và nỗ lực của người dân cũng như chính quyền địa phương, cuối năm 2013 vừa qua, 1,235m đường dây điện với kinh phí 227 triệu đồng đã được kéo về tận nhà các gia đình trong khu 61. Để có được điều này, mỗi hộ phải đóng góp gần 7 triệu đồng (30% hỗ trợ từ Nhà nước), riêng các hộ dân tộc được miễn giảm 100% chi phí kéo điện.
“Chính vì lý do ở quá xa trung tâm xã, người dân trong khu lại sống thưa thớt, rải rác nên việc kéo đường dây điện vào khu gặp không ít khó khăn về kinh phí và nhân lực. Không có điện cuộc sống người dân khó khăn lắm. Hồi xưa xài đèn dầu, giờ có điện thấy sáng sủa hơn, cảm ơn chính quyền, cảm ơn Nhà nước”, ông Thổ Bảy phấn khởi.
Đi dạo quanh các nhà trong khu 61, chúng tôi nhận thấy trên khuôn mặt của người dân tràn ngập niềm vui và phấn chấn vì sau nhiều năm chờ đợi thì cuối cùng mong ước có điện thắp sáng đã trở thành hiện thực. Chú Long vui mừng: “Bây giờ thì từ già đến trẻ ai cũng có sự nghe nhìn, nhà nhà có ti vi, điện thoại không phải đi sạc nhờ, các em không còn phải đốt đèn dầu để học bài. Tết này thôn xóm rộn ràng hơn, không buồn như các Tết trước nữa”. Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Văn Tâm nói: “Có điện rồi thì lắp bơm điện tưới tiêu đỡ tốn tiền dầu, có thể mua máy tính, laptop cho các con học hành”.
Từ khi có điện, mọi sinh hoạt của người dân có phần thay đổi rõ rệt. Người mua nồi cơm điện, người mua ti vi, ấm điện, có người còn ráng sắm được cả tủ lạnh. Thôn xóm rộn ràng hơn… Niềm vui như thắp lên khuôn mặt của những người nông dân cần cù. Tương lai không xa lắm, người dân nơi đây sẽ có một cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng trước mắt, Tết Giáp Ngọ 2014, bà con sẽ có một cái Tết vui vẻ, sung túc hơn.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận
Bình luận (0)