Hội thầy thuốc trẻ khám chữa bệnh ngoại viện tại xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Ảnh: I.T |
Chiều 27-2, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch công tác y tế năm 2014. Qua các ý kiến tại hội nghị cho thấy việc nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện (BV) của các tuyến là một nhiệm vụ rất quan trọng để làm hài lòng người bệnh…
Nhân viên y tế có mặt ở cả thôn, bản
Mặc dù ngân sách Nhà nước chi cho y tế chưa tới 7% tổng chi ngân sách (gần 72.828 tỷ đồng), trong khi trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh ngày càng đắt tiền nhưng năm qua ngành y tế đã đạt được một số thành tựu đáng mừng.
Trước tiên phải kể đến hệ thống y tế cơ sở, đến nay 98,9% xã, phường, thị trấn có nhà trạm; 74,4% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 95,3% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 88% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động – trong đó tỷ lệ này là 82,9% tổ dân phố ở khu vực thành thị và 96,9% số thôn, bản ở khu vực nông thôn, miền núi. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.
Năm 2013, ngành y tế đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để chống quá tải, giảm dần tình trạng nằm ghép tại các BV. Điển hình như tập trung vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư cho các cơ sở y tế, trong đó ưu tiên một số BV đang quá tải như BV K; Khoa Ung bướu, Tim mạch BV Bạch Mai; BV Nội tiết; BV Răng hàm mặt TP.HCM; BV ĐH Y dược TP.HCM; BV Tai mũi họng TW; Khoa Nội BV Hữu Nghị; BV C Đà Nẵng, BV Thống Nhất; BV Thái Nguyên; BV Phụ sản TW; BV Việt Đức; BV TW Huế; BV Nhi TW; Khoa Ung bướu – BV Chợ Rẫy; xây mới BV Bệnh nhiệt đới TW. Do đó, đã tăng thêm 6% số giường bệnh so với năm trước, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được cải thiện.
“Năm 2014, ngành y tế tiếp tục huy động các nguồn vốn để xây dựng một số trung tâm khám, chữa bệnh theo yêu cầu bằng kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến nhằm hạn chế người dân phải đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài. Thực hiện việc đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, phát triển một số lĩnh vực y học chất lượng cao, y học mũi nhọn phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Ngoài ra, năm 2014, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh, đưa bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo.
Người bệnh sẽ không còn phải chờ “dài cổ”
Một trong những nguyên nhân khiến người bệnh ngán ngẩm mỗi khi phải vào các BV công lập là thời gian chờ đợi quá lâu. Nhiều người phải đi từ 1-2 giờ sáng để xếp hàng. Để dần khắc phục tình trạng này, nhiều BV đã cải tiến thủ tục khám chữa bệnh.
Bác sĩ Bùi Quốc Nam – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Bạc Liêu có 1 BV Đa khoa tỉnh và 6 BV đa khoa huyện. Các BV thường xuyên quá tải tại khu vực khám ngoại trú trong giờ cao điểm. Trước tình hình này, các BV đã tăng thêm bàn khám để giảm áp lực trong những ngày và giờ cao điểm, mỗi phòng khám tối đa không quá 100 bệnh nhân/ngày. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình khám, chữa bệnh nên thời gian chờ đợi của bệnh nhân được rút ngắn đáng kể, chỉ còn khoảng 1-2 giờ/người bệnh/lần khám…”.
Còn tại TP.HCM, toàn TP hiện có 106 BV, mỗi năm ngành y tế TP đã khám cho khoảng hơn 31 triệu lượt, điều trị nội trú cho hơn 1,4 triệu lượt bệnh nhân. Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải BV, ngành y tế TP.HCM đã thành lập khoa vệ tinh của các BV tuyến TP. Cụ thể, BV Chấn thương chỉnh hình triển khai Khoa Vệ tinh tại BV An Bình – 100 giường, BV Q.Tân Phú – 50 giường để điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân được chuyển từ BV Chấn thương chỉnh hình; BV Nhi đồng 1 triển khai Khoa Vệ tinh tại BV Q.Tân Phú 50 giường, BV Q.Bình Tân – 150 giường, qua đó giảm chuyển viện 15,3%; BV Nhi đồng 2 triển khai Khoa Vệ tinh tại BV Q.2 với quy mô 50 giường, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tăng hơn 30%; BV Ung bướu có Khoa Vệ tinh tại BV Q.2 với quy mô 150 giường, chấm dứt tình trạng bệnh nhi ung thư nằm ghép.
Ngoài ra, 17 BV tuyến TP đã thành lập 48 phòng khám vệ tinh tại 12 BV tuyến quận, huyện với 271 bác sĩ đến hỗ trợ chuyên môn và trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, 944 lượt cán bộ y tế của BV quận, huyện được đào tạo, tập huấn, chuyển giao 114 kỹ thuật cho BV quận, huyện. Theo đó, số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm từ 70% đến 90%. TP.HCM còn triển khai thí điểm phòng khám bác sĩ gia đình tại BV Q.2, 8, 10, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Trạm y tế phường Cô Giang – Q.1, phường Tân Hưng – Q.7.
Những cố gắng này của ngành y tế đã phần nào làm hài lòng người bệnh, tình trạng quá tải được cải thiện…
Anh Kim
Bình luận (0)