Tòa soạnThư đi – tin lại

Tìm giải pháp để có đầu ra “chuẩn”

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Ngày hội việc làm được tổ chức ở trường mới đây

Xây dựng và thực hiện chuẩn đầu ra là hướng tất yếu để các trường ĐH-CĐ cam kết về chất lượng đối với người học, khẳng định năng lực đào tạo trước xã hội.
Ngày 26-4, tại hội thảo “Xây dựng chuẩn đầu ra: Kinh nghiệm và giải pháp” do Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm tổ chức, nhiều đại biểu, giảng viên đã tập trung bàn về các giải pháp để nhà trường hoàn thiện chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Định hướng hoạt động đào tạo
ThS. Nguyễn Hoàng Phụng – Trưởng khoa Công nghệ may và thiết kế thời trang, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm – nhận định, những tiêu chí về chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo (kiến thức, kỹ năng, thái độ, vị trí công tác sau khi tốt nghiệp, hướng phát triển sau đào tạo…) đều vươn tới một mục đích chung là đáp ứng nhu cầu xã hội.
ThS. Trần Lâm Bạch – Phó trưởng phòng Tổ chức – hành chính, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm – cũng cho rằng, chuẩn đầu ra được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn nghề rút ra từ thực tế, có vai trò định hướng hoạt động đào tạo. Với người dạy, chuẩn đầu ra là cơ sở để thiết kế nội dung giảng dạy, lựa chọn phương pháp dạy học tích cực, lượng hóa rõ ràng các tiêu chí đánh giá kết quả học tập của người học. Với người học, chuẩn đầu ra giúp SV lượng hóa được mục đích học tập, xác định cụ thể các yêu cầu với bản thân, từ đó nỗ lực học tập rèn luyện, đáp ứng yêu cầu của trường và tăng cơ hội làm việc khi ra xã hội.
Tuy nhiên, nếu như ở các nước có nền giáo dục phát triển chương trình đào tạo của một ngành thường được xây dựng trên cơ sở chuẩn đầu ra thì ở nước ta, chuẩn đầu ra vừa được chú ý trong vài năm trở lại đây, sau bước ngoặt chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ. Vì tính chất mới mẻ của nó nên tại một số cơ sở, chuẩn đầu ra mới chỉ được làm cho có, theo kiểu hình thức. Do vậy chưa định được chuẩn đầu ra tốt, thiếu ý kiến đóng góp của các đơn vị sử dụng lao động…
Trong một phạm vi nhỏ như cấp khoa chẳng hạn, thực tế bậc trung cấp gặp khó khăn ở việc đảm bảo chuẩn đầu ra về kỹ năng. Cụ thể, một số học phần trực tiếp liên quan đến nghề nghiệp thì thiếu giáo cụ trực quan, thiếu các thiết bị chuyên dùng cần thiết, thiếu thời gian cho thảo luận. Thực tế, giáo viên phải cố gắng mới giảng hết nội dung, không còn thời gian tổ chức thảo luận. Thậm chí nếu dành ra được thời gian thì việc thảo luận cũng không thành công vì người học không chuẩn bị nội dung. Thiếu chuẩn bị trước nên người học bị động trước những câu hỏi của giáo viên…
Để có đầu ra “chuẩn”
ThS. Trương Văn Hùng – Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm – thống kê lại con số của Bộ GD-ĐT, hằng năm nước ta có khoảng 20 ngàn SV tốt nghiệp ĐH-CĐ. Chỉ có 50% số SV này có việc làm. Trong số có việc làm thì chỉ 30% SV tìm được việc đúng ngành nghề. Ngay cả SV có được việc làm vẫn phải trải qua quá trình đào tạo bổ sung tại doanh nghiệp, nhất là ở các công ty nước ngoài. Từ thực tế này, ThS. Hùng cho rằng, để chuẩn đầu ra được xây dựng đúng như kỳ vọng thì không được buông lỏng khâu kiểm định chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp thi và tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, thực chất để qua kết quả học tập của SV đánh giá chất lượng giảng viên. Ngoài ra, quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, đào tạo đội ngũ giảng viên, dành kinh phí cử giảng viên đi học tập nâng cao chuyên môn ở nước ngoài…
ThS. Trần Lâm Bạch cũng đặt vấn đề, khi xây dựng chuẩn đầu ra, cần tập trung vào các yếu tố mà nhà trường muốn SV có khả năng thể hiện được khi hoàn tất học phần hoặc toàn bộ chương trình. Đặc biệt, sau khi hoàn chỉnh chuẩn đầu ra cần có ý kiến đóng góp rộng rãi của các chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp, công ty tuyển dụng để hiệu chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Nhiều ý kiến khác cũng nhấn mạnh việc tăng cường tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đối với hoạt động xây dựng chuẩn đầu ra, nhằm cung cấp những SV đạt “chuẩn”, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Bài, ảnh: M.Tâm

Bình luận (0)