Tòa soạnThư đi – tin lại

Nghỉ lễ: Tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang điều trị tại Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1

Đúng như dự báo của các chuyên gia y tế, tình hình dịch bệnh trong dịp lễ diễn biến phức tạp. Bởi phụ huynh đưa trẻ đi du lịch, đến những khu vui chơi giải trí đông người. Tại đây trẻ dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm…
Trong 2 ngày 1 và 2-5, cả nước ghi nhận thêm 98 trường hợp mắc sởi xác định. Theo đó nâng số mắc sởi xác định của cả nước lên 3.930 trường hợp trong số 13.580 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, sau nhiều ngày không có trường hợp nào tử vong có liên quan đến sởi, ngày 1-2, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã có 2 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 132 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi. Các khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Trong 2 ngày nghỉ lễ, 1 và 2-5, đoàn công tác của Bộ Y tế, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi tại tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đồng thời, dù là ngày nghỉ nhưng nhiều tỉnh, thành vẫn tổ chức tiêm vaccine sởi. Kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vaccine sởi phòng chống dịch và tiêm vét vaccine sởi chung trên toàn quốc đến ngày 1-5 là 84,8% (tăng 0,5% so với ngày 30-4); ngày 2-5 đạt 85,1% (tăng 0,3% so với ngày 1-5).
Thời điểm hiện nay là đầu mùa hè, nhiệt độ môi trường bắt đầu tăng cao, để phòng bệnh sởi lây lan, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân bên cạnh việc đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi, cần: “Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng khí, mở cửa sổ nhưng đảm bảo không bị gió lùa nhằm tránh tồn lưu virus trong môi trường nhà ở; nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường”.
Cũng trong thời điểm này, số bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng nhanh. Đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam như TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau… Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Nhằm phòng, chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân: “Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)