Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Sức ép cho V-League

Tạp Chí Giáo Dục

Thương hiệu V-League đang ngày càng “hot” giúp VFF tăng mạnh nguồn thu nhưng đó cũng là một áp lực với BTC giải trong việc điều hành.
Cuối tuần này, V-League sẽ bắt đầu những vòng quay của mùa bóng lên chuyên nghiệp thứ 10. Không chỉ từ cái tên mà các đội bóng cũng đã vận hành theo mô hình chuyên nghiệp, VFF không muốn những yếu kém tồn tại lâu nay làm mất giá V-League. Vì thế, đây là mùa giải được dự báo là rất vất vả cho bộ phận điều hành giải đấu.
V-League thời “lạm phát”
Khi V-League chính thức lên chuyên nghiệp, giá trị thương mại của giải đấu cũng tăng gấp đôi. Từ mức tài trợ 15 tỉ đồng/mùa bóng, sau khi gắn thương hiệu cùng Eximbank, giải đấu đã tăng sức hút của mình lên mức 30 tỉ đồng.

Sân Lạch Tray của V. Hải Phòng luôn đông khán giả nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng hỗn loạn, đốt pháo sáng trên khán đài.

Đó là còn chưa kể đến tiền bản quyền truyền hình 6 tỉ đồng từ Tập đoàn Nghe nhìn toàn cầu (AVG) và sẽ được tăng lũy tiến theo thời giá, cũng như khả năng hút quảng cáo của đối tác.
Đời sống của cầu thủ, HLV cũng thay đổi chóng mặt. Những khoản tiền lót tay, chuyển nhượng, lương, thưởng cho cầu thủ mùa bóng này đã xô đổ mọi kỷ lục của những mùa bóng trước. Vài mùa trước, hợp đồng cỡ vài tỉ đồng là “bom tấn” nhưng nay V-League không thiếu những bản hợp đồng vài trăm ngàn USD, thậm chí cả triệu USD.
Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc các đội bóng đang “ăn nên làm ra”, hay nói cách khác, VFF đang “giàu lên” là nhờ các đội bóng ngày càng tiêu tiền bạt mạng.
Chính ông Đỗ Quang Hiển, bầu của hai đội bóng V-League là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng, thừa nhận: “Hiện tại, tôi bảo đảm chưa có đội bóng nào có lãi cả. Trong tương lai gần, các đội cũng khó tự cân đối thu chi được nếu không có doanh nghiệp, tập đoàn đỡ đầu”.
Mức đầu tư tối thiểu để một đội bóng hoạt động ở V-League là 25 tỉ đồng. Nhưng đó chỉ là định mức do VFF đưa ra, còn trên thực tế các đội đều chi nhiều hơn mức này, cá biệt có những đội chi 100 tỉ đồng/mùa bóng.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói: “Ở nước ngoài, bản quyền truyền hình là một nguồn thu lớn nhưng ở ta vẫn chưa thấm vào đâu. Các CLB chỉ trông vào bán vé nhưng không phải sân nào cũng đông khán giả”.
Quyết lấy lại thanh danh
Ngay cả danh hiệu “Giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á” mà VFF rất tự hào cũng mang tính ước lệ nhiều hơn là một sự đánh giá theo những tiêu chuẩn cụ thể. Không phải ngẫu nhiên mà mùa này, khi bóng còn chưa lăn, VFF đã tỏ ra rất “rắn” với câu chuyện bạo lực sân cỏ.
Riêng sân Lạch Tray đã được “điểm mặt chỉ tên” và đặt trong tình trạng báo động. Sau khi BTC giải làm việc với CLB V.Hải Phòng và BTC sân này, một “giao kèo” đã được đưa ra.
Nếu sân Lạch Tray tiếp tục để xảy ra tình trạng hỗn loạn, đốt pháo sáng trên khán đài, CLB V.Hải Phòng sẽ phải chọn một sân trung gian làm sân nhà, cụ thể là sân Cao Lãnh ở Đồng Tháp.
An ninh cũng chỉ là một vấn đề trong rất nhiều câu chuyện nổi cộm của V-League. Chất lượng trọng tài, giám sát cũng là vấn đề làm nhức đầu BTC. Những năm gần đây, không mùa bóng nào không xảy ra tình trạng các đội kêu ca về trình độ trọng tài nên mùa này, VFF đang nỗ lực hết sức để gây dựng lại uy tín và thanh danh cho các “vua áo đen”.
Mạnh Duy (theo NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)