Những chiếc lồng sắt được người dân tự chế lắp đặt trên cao, qua nhiều năm gỉ sét, xuống cấp sẽ là mối hiểm họa gây tai nạn ở lô L, chung cư Thanh Đa, P.26, Q.Bình Thạnh |
Hình ảnh những chiếc lồng sắt cũ kỹ treo bám vào tường nhà, chung cư do người dân tự ý cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian để làm nơi phơi quần áo, cất giữ đồ đạc không chỉ làm mất vẻ mỹ quan đô thị mà còn gây nguy hiểm, bất an toàn…
Hầu hết những chiếc lồng này được làm bằng sắt, đính tạm bợ trên tường đã nhiều năm nhưng không được thay mới. Chỉ tay lên chiếc “lồng” có chiều dài hơn 2m, tường loang lổ bởi những mảng bê tông ẩm ướt, bong tróc, bà Nguyễn Thị Hà (chung cư Nguyễn Tất Thành, Q.4) lo lắng: “Nó có thể rớt xuống bất cứ lúc nào. Không may có người đi qua thì chỉ có chết”. Trông chiếc lồng yếu ớt, nhiều thanh sắt đã gỉ sét, bong mối hàn nhưng nó phải “cõng” nhiều thứ như chậu hoa kiểng, xô chậu… chúng tôi không khỏi lo lắng.
Theo bà Hà, cũng tại chung cư này vào mùa mưa năm 2012 đã từng xảy ra cảnh tượng một chiếc lồng bị lìa khỏi tường, treo lủng lẳng và rơi xuống đất chỉ vài phút sau đó khiến nhiều hộ ở tầng trệt cũng như người đi đường một phen hú vía. Điều đáng nói, những chiếc “lồng” này đã lắp đặt cách đây nhiều năm nhưng không có biện pháp gia cố, dễ dẫn đến tai nạn trong mùa mưa bão. Hơn nữa, nhiều chung cư có tuổi đời khá “già”, mặt ngoài (tường) đã có dấu hiệu xuống cấp, cộng với sức nặng của lồng nên tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào là điều khó tránh khỏi.
Hình ảnh này không khó để bắt gặp ở những chung cư cũ ở các quận nội thành như Q.1, Q.3, Q.4, Q.Bình Thạnh… Quan sát tại các lô của chung cư Đoàn Văn Bơ (người dân vẫn quen gọi là chung cư nhà cháy, đường Đoàn Văn Bơ, Q.4) cho thấy căn hộ nào cũng cơi nới với những chiếc lồng lớn. “Thấy người ta làm không bị địa phương nói năng gì nên mình cũng làm theo để phơi quần áo, cất vài vật dụng”, chị Trần Minh Thùy ngụ tại chung cư này nói. Đến lô L, chung cư Thanh Đa, P.26, Q.Bình Thạnh sẽ “choáng” với hàng trăm chiếc lồng được gắn, hàn tạm bợ trên tường, nhô hẳn ra ngoài. Trong đó có nhiều lồng mỏng manh, yếu ớt có nguy cơ rớt xuống bất kỳ lúc nào.
Không chỉ có ở chung cư mà tình trạng người dân tự ý làm lồng, cơi nới diện tích trên cao phục vụ sinh hoạt còn diễn ra ở các nhà dân, khu tập thể có diện tích nhỏ hẹp. Cụ thể, ngay trung tâm thành phố, khu tập thể trên đường Nguyễn Thị Nghĩa (Q.1) từ lâu đã xuất hiện những chiếc lồng sắt to, nhỏ với đủ màu sắc. Không chỉ tai nạn rình rập mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của một thành phố năng động, thu hút nhiều khách du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Khánh (cán bộ thanh tra xây dựng P.8, Q.4) cho biết thời gian qua các ban ngành địa phương cũng đã phối hợp kiểm tra, xử phạt và buộc người dân tháo dỡ phần tự ý cơi nới. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều chiếc lồng sắt mà người dân đã làm từ nhiều năm trước thiếu an toàn, có thể gây tai nạn cho người dân.
Theo nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 30-11-2013 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở từ 50-60 triệu đồng. Theo đó, các hành vi tự ý cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung dưới mọi hình thức, thay đổi kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngoài chung cư… sẽ phải chịu mức phạt nói trên.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)