Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học (gọi tắt là thông tư 30). Thông tư này ra đời đã thay thế thông tư 32 trước kia của Bộ GD-ĐT và là một bước đổi mới trong quá trình đánh giá HS tiểu học.
Theo thông tư 30, nguyên tắc đánh giá HS là coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; giúp HS phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Đánh giá toàn diện HS thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của HS theo mục tiêu giáo dục tiểu học. Đánh giá sự tiến bộ của HS, không so sánh HS này với HS khác, không tạo áp lực cho HS, giáo viên và cha mẹ HS.
Bộ GD-ĐT cũng quy định các mức đánh giá đối với HS như đánh giá thường xuyên; đánh giá thường xuyên hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học, hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; đánh giá thường xuyên sự hình thành và phát triển năng lực của HS; đánh giá thường xuyên sự hình thành và phát triển phẩm chất của HS; đánh giá định kì kết quả học tập. Riêng đánh giá định kì kết quả học tập của HS, hiệu trưởng phải là người chỉ đạo việc đánh giá định kì kết quả học tập, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học vào cuối học kì I và cuối năm học đối với các môn học: Tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử và địa lí, ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kì. Sau đó là tổng hợp đánh giá. Với nội dung này, vào cuối học kỳ I và cuối năm học, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng HS. Thông tư 30 cũng dành một phần để hướng dẫn cách đánh giá HS khuyết tật. Theo đó, dựa trên quy định đánh giá HS tiểu học, việc đánh giá HS khuyết tật và HS học ở các lớp học linh hoạtbảo đảm quyền được chăm sóc và giáo dục đối với tất cả HS.
Một điểm mới nữa của thông tư 30 chính là vai trò tham gia của phụ huynh trong quá trình đánh giá HS. Cha mẹ HS được khuyến khích phối hợp với giáo viên và nhà trường động viên, giúp đỡ HS học tập, rèn luyện; được giáo viên hướng dẫn cách thức quan sát, động viên các hoạt động của HS hoặc cùng HS tham gia các hoạt động; trao đổi với giáo viên các nhận xét, đánh giá HS bằng các hình thức phù hợp, thuận tiện nhất như lời nói, viết thư. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 15-10-2014.
Thiên Lam
Bình luận (0)