Tòa soạnThư đi – tin lại

Treo sừng tê bán sừng… trâu

Tạp Chí Giáo Dục

Đã đến lúc người dân Việt Nam nói không với sừng tê giác vì “Không có người mua – Không còn kẻ giết” (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Với suy nghĩ sừng tê giác có thể chữa được bách bệnh, trong đó có cả bệnh nan y như ung thư, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để được sở hữu loại “thần dược” này. Tuy nhiên, không ít người đã mất tiền tỷ chỉ để sở hữu một chiếc sừng… trâu.
70-80% sừng tê giác ở Việt Nam là sừng… trâu
Tê giác sống ở nhiều nước trên thế giới nhưng chủ yếu sống ở Nam Phi. Các rừng rậm ở Việt Nam cũng là nơi sống lý tưởng của tê giác. Song, con tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã bị giết lấy sừng vào tháng 4-2010. Còn tại Nam Phi, số tê giác bị giết để lấy sừng tăng chóng mặt theo từng năm. Nếu năm 2007 chỉ có 13 con bị giết thì năm 2011 tăng lên 448 con, năm 2012 là 668 con. 1 năm sau đó (năm 2013), số tê giác bị giết là 1.004 con, trung bình mỗi ngày có 3 con bị giết. 8 tháng đầu năm 2014 đã có 658 con tê giác bị giết hại.
Hơn 4.000 sừng tê giác (tương đương 12 tấn) đã bị buôn lậu ra khỏi Nam Phi từ năm 2009 đến năm 2012. Chỉ 2,3% được phát hiện và tịch thu bởi các nhà hành pháp ở châu Á. Tại Việt Nam, từ năm 2008 đến tháng 8-2013 các cơ quan chức năng đã phát hiện 13 vụ buôn bán sừng tê giác trái phép, tịch thu 121,5kg sản phẩm.
Sở dĩ ngày càng có nhiều tê giác bị giết hại để lấy sừng là bởi: “Sừng tê giác được sử dụng trong y học cổ truyền châu Á để giảm sốt và trị một số bệnh khác. Bên cạnh đó là nhu cầu sử dụng sừng tê giác để chạm khắc, làm cup, quà tặng, hối lộ tăng mạnh trong thời gian gần đây. Riêng ở Việt Nam, ngày càng có nhiều người tin vào tác dụng trị ung thư của sừng tê giác dù không có bất kỳ nghiên cứu hay chứng nhận y học nào liên quan. Mới đây, các “đệ tử lưu linh” Việt Nam còn truyền miệng nhau rằng, mài nhỏ sừng tê giác dùng như thuốc bổ giúp giảm say rượu. Theo đó, Việt Nam hiện đang nổi lên là nước “đầu sỏ” trong việc tiêu thụ sừng tê giác bất hợp pháp”, bà Lê Trần Khánh Vy – phụ trách truyền thông “Chiến dịch chấm dứt sử dụng sừng tê” (được phối hợp thực hiện bởi Tổ chức WildAid (Cứu trợ Hoang dã), African Wildlife Foundation (Quỹ hoang dã Phi Châu) và Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE)) – cho biết.
Có giá thành cao hơn cả vàng, 65.000 USD cho 1kg sừng tê giác (hơn 13 tỉ đồng), trong khi đó vàng được bán với giá xấp xỉ 41.000 USD/kg nên nhiều băng nhóm tội phạm đã liều mạng phạm pháp để săn cho bằng được tê giác. (1.000 người là cán bộ kiểm lâm cũng như làm công tác bảo vệ tê giác đã bị bọn săn tê giác giết hại trong vòng 1 thập kỷ qua – PV). Tuy nhiên việc săn bắt ngày càng khó khăn hơn do số lượng tê giác ngày càng ít, đặc biệt từ tháng 4-2012 Nam Phi đã đình chỉ việc cấp giấy phép săn bắn tê giác cho mọi công dân Việt Nam, trong khi nhu cầu tăng mạnh nên sừng tê giác giả càng ngày càng nhiều.
Ăn sừng tê giác cũng như ăn móng, tóc người
Bà Hoàng Thị Minh Hồng cho biết: “Người tiêu dùng Việt Nam thường hay tin vào những lời đồn thổi, những thông tin ngoài lề hơn là vào chứng cứ khoa học. Bộ Y tế đã khẳng định: “Sừng tê không phải là một “thần dược” có thể chữa các bệnh nan y”. Nếu như mọi người không quan tâm đến việc mình đang đẩy một loài vật quý của thiên nhiên hoang dã đến nguy cơ tuyệt chủng thì mọi người cũng nên biết rằng mình đang mất rất nhiều tiền vào một thứ vô bổ”.
Đúng vậy. Khoa học đã chứng minh sừng tê giác hoàn toàn là một thứ vô bổ đối với sức khỏe con người. “GS. Harold Varmus – một trong những chuyên gia ung thư hàng đầu thế giới – đã đưa ra thông điệp: “Bột sừng tê giác không có tác dụng điều trị ung thư. Chúng ta không có bằng chứng là bột sừng tê giác có ích lợi gì và không có cơ sở để dùng điều trị bệnh ung thư”. Y văn Trung Quốc trong gần 2.000 năm không có ghi nhận sừng tê giác trị được ung thư. Dùng sừng tê giác để trị khỏi ung thư chỉ là lời đồn đại”, bà Minh Hồng nhấn mạnh.
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam – khẳng định: “Sừng tê giác không chữa được bất kỳ bệnh nào. Ăn sừng tê giác cũng như ăn tóc, móng tay chúng ta mà thôi, không có tác dụng gì. (Sừng tê giác có cấu tạo từ chất keratin, một chất được tìm thấy ở móng và tóc của người – PV)”.
BS. Chấn Hùng kể lại: “Có một bệnh nhân ung thư khoe với tôi là sau khi uống bột sừng tê giác thấy rất khỏe. Thật ra người bệnh khỏe không phải do uống bột sừng tê giác mà khỏe vì niềm tin vào “thần dược” sừng tê giác. Và sự thật là chỉ vài ba ngày sau, sức khỏe của bệnh nhân này lại quay trở về trạng thái trước đây”.
Và cũng theo BS. Chấn Hùng, sừng tê giác không những không phải là “thần dược” mà còn… nguy hại như “độc dược”. Bởi, “Việc phát hiện bệnh và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh nhanh chóng khỏe lại, kể cả là bệnh ung thư. Nhưng nếu cứ mù quáng tin vào “thần dược” sừng tê giác mà bỏ qua thời điểm vàng để điều trị thì bệnh ngày càng khó chữa”, BS. Chấn Hùng khuyến cáo.
Từ thực tế này cho thấy, đã đến lúc người dân Việt Nam nói không với sừng tê giác vì “Không có người mua – Không còn kẻ giết”.
Hòa Triều
Bà Hoàng Thị Minh Hồng – Giám đốc Trung tâm CHANGE thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam – khẳng định: “70-80% sừng tê giác ở Việt Nam là… sừng trâu. Nhiều người đã bỏ một khoản tiền không nhỏ để mua sừng trâu mà cứ nghĩ là sừng tê giác”.
 

Bình luận (0)