Chức vô địch có thể làm các đội bóng dè dặt vì sợ rơi cảnh nói trước bước không qua. Nhưng tại V-League, tìm ra “tọa độ chết” (hay nói trắng ra là những ứng viên… rớt hạng) không hẳn là điều bất khả thi, bất kể phong trào “nhà nhà trụ hạng” vẫn ồn ào khắp sân chơi này.
Vì sao lại “tạch”?
Có đến cả 1001 lý do khiến một đội bóng rớt hạng. Nhưng tại V-League, thông thường, những ứng viên rớt hạng hay bị điểm mặt là vì… “nghèo”. Chẳng hạn mùa V-League 2009, Thanh Hóa, Quân khu 4, Nam Định bị liệt vào diện nguy cơ cao, bởi họ có tiếng là những đội nghèo nhất V-League.
Dù được Megastar “bơm” tiền tỷ, nhưng việc mất hàng loạt trụ cột sẽ khiến Nam Định gặp nhiều khó khăn ở V-League 2010. |
Quả thực, trong thời buổi kim tiền chi phối nặng nề ở V-League như lúc này, nghèo đồng nghĩa với nguy cơ “tạch” rất cao. Thanh Hóa bị điểm mặt, chỉ tên ngay đầu mùa, vì những trụ cột của họ khi đó như Hoàng Đảm, Xuân Hợp, Tiến Thành, Huy Thái… đã ra đi để đến những miền đất hứa. Trụ lại trong đội bóng xứ Thanh đa số đều là những cầu thủ trẻ, hoặc thâu nạp lại những người gốc xứ Thanh đã hết “date”.
Thêm vào đó, việc trao thân gửi phận nhầm cho Xi măng Công Thanh đã khiến tốc độ rớt hạng của Thanh Hóa “xịn” đến nhanh hơn bình thường. Chỉ có ở Thanh Hóa, cầu thủ mới công khai viết lên bảng thông tin đề nghị CLB trả tiền lương đúng hạn, cho nên, khi Thanh Hóa rớt hạng sớm 4 vòng đấu, tất cả đều khẳng định đó là kết cục hợp lý của “anh nhà nghèo”.
Với Quân khu 4, Nam Định, 2 đội bóng này không rớt hạng, nhưng cũng khốn đốn vì chuyện tiền. Nam Định phải nhờ trận play-off mới “sống sót” ở V-League, bởi các trụ cột vừa đá, vừa phập phồng nghe theo những lời mời gọi từ các đại gia. Đến mức nguyên chủ tịch CLB Nam Định Đỗ Thanh Xuân than thở: “Nam Định đã khốn khổ như vậy là do… đại gia”.
Trong khi đó, Quân khu 4 đã thở hắt ra, chỉ vì vào cuối mùa V-League 2009, những ngoại binh chất lượng của họ trở chứng khi đòi hỏi lương bổng, tiền thưởng.
Dẫu vậy, trường hợp CLB TPHCM rớt hạng mùa trước quả là một sự lạ đời. Về lý thuyết, CLB TPHCM không thể nghèo như Quân khu 4, Thanh Hóa, Nam Định, thậm chí là SLNA, bởi họ đường đường đại diện cho thành phố sôi động nhất của nền kinh tế. Nhưng đội bóng đất Sài thành đã rớt hạng vì họ… quá yếu, đồng thời bị “bơ vơ” giữa những điều kiện tưởng chừng rất hoàn hảo.
Nhà giàu sẽ khóc
Có một thực tế: không đội bóng nào ở V-League 2010 mang phận nhà nghèo. Nam Định, SLNA đều đổi đời, nhờ bầu sữa của Megastar hay ngân hàng Bắc Á, trong khi Quân khu 4 đã biến thành Navibank Sài Gòn. Ngay như Thanh Hóa, đại diện xứ Thanh cũng đường đột xuất hiện, thậm chí chịu chơi với… 2 đội bóng.
Dĩ nhiên, ai cũng hiểu, Thanh Hóa A chơi tại V-League vẫn hừng hực khí thế nhất, khi bầu sữa của Viettel vẫn được đảm bảo cho đến hết mùa 2010 vào cái xác họ vừa chuyển giao cho đội bóng xứ Thanh.
Thế nhưng, giống như bệnh nhân đau bụng, chẳng ai lại bồi bổ… nhân sâm. Vì vậy, việc bơm tiền đùng đùng để đổi đời chưa phải là thứ thuốc tiên khiến một số đội V-League thoát khỏi cảnh khốn khổ. Nam Định vừa có thêm vài chục tỷ của Megastar, nhưng việc mất sạch 8 trụ cột vào đầu mùa đặt đội bóng thành Nam vào tình thế hiểm nguy hơn bao giờ hết.
Cái đáng sợ nhất của Nam Định là cảnh “hỗn quân, hỗn quan”, bởi dù đã thành “nhà giàu”, nhưng những cái mầm thiếu chất chuyên ở đội bóng này là thứ vô cùng nguy hiểm. Nam Định thiếu đầu tàu, thiếu người cầm trịch thật sự vững tâm, cho nên cũng chẳng ngạc nhiên nếu đội bóng thành Nam bước vào V-League với mục tiêu trụ hạng.
Trong khi đó, Đồng Tháp, Hòa Phát HN, Navibank Sài Gòn… cũng có lý do để e ngại cho 2,5 suất rớt hạng. Hòa Phát HN lúc nào cũng thừa tiền, nhưng 2 năm trước, đội bóng thủ đô đã gặm nhấm nỗi đau trên… đống tiền.
Lực của Hòa Phát HN lúc này không được đánh giá cao, bởi họ dù có tiền nhưng lại không có hấp lực để trở thành miền đất hứa, giống như đội bóng cùng thành phố T&T Hà Nội. Cho nên, nền tảng của Hòa Phát HN chủ yếu là những trụ cột giúp họ thăng hạng, nhưng khoảng cách trình độ giữa V-League và hạng Nhất là thứ mà cứ lên là đụng đỉnh.
Dấu hỏi về lực lượng cũng bị đặt ra cho Đồng Tháp, Navibank Sài Gòn khi mà một đội vừa bị “bắt” đi những cầu thủ tốt, còn một đội thì có quá ít thời gian để thay đổi lực lượng khi có tiền.
V-League 2010 sẽ khác chăng, khi có đội bóng rớt hạng vì cảnh “chết trên đống tiền”?!
NGỌC LINH (theo SGGP)
Bình luận (0)