Tòa soạnThư đi – tin lại

Thanh niên khởi nghiệp: Bài 4: Tay ngang thành “người buôn chữ”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch
Tự nhận mình chỉ là “người buôn chữ”, nhưng không một tác phẩm nào của Nguyễn Ngọc Thạch (bút danh Jade Vissel) lại không gây tranh cãi trong dư luận khi xoáy sâu vào những đề tài gai góc của xã hội. 27 tuổi, Thạch đã trở thành cây bút được nhiều nhà xuất bản săn đón đặt hàng.
Những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của cây bút đầy nội tâm và sắc sảo này như: Đời Callboy, Lòng dạ đàn bà, Khóc giữa Sài Gòn, Một giọt đàn bà, Sông máu… Ngoài ra, Thạch còn là người chấp bút cho nhiều tự truyện về đề tài đồng tính đang được bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi quan tâm.
Viết truyện như một cuộc dạo chơi
“Viết về đĩ, thô nhưng không tục. Viết về đời, thực nhưng không thơ” dường như đã trở thành tiêu chí và “thương hiệu” của riêng Thạch. Với nhiều người, đọc văn của Thạch không phải để thấy xã hội phồn hoa, thơ mộng mà để thấy những phận đời dù sang hay hèn, dù là ông giám đốc hay một cô gái điếm, một trai bao đang “giãy giụa” tìm đường sống mỗi ngày. Và hơn cả, bởi “đời thực, nhưng không thơ” nên người ta tìm đến văn của Thạch để chiêm nghiệm, được tìm thấy mình trong đó.
Không tốt nghiệp ngành văn, cũng không học qua bất cứ trường lớp nào về viết lách, nhưng chàng trai trẻ từng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ Trường ĐH Mở TP.HCM đã khiến nhiều người phải kinh ngạc khi liên tiếp cho ra đời những tác phẩm chạm đến tận cùng trái tim bạn đọc. Thạch bắt đầu viết truyện từ năm 2006, ban đầu chỉ là những truyện ngắn được đăng tải trên blog cá nhân về những cô gái phải đánh đổi thân xác để kiếm tiền, những tản mạn về thế giới người đồng tính, những cảnh đời rất thực ở chốn Sài thành. Dù Thạch thú nhận việc viết truyện lúc đó chỉ giống như một cách để trải lòng, để thả vào đó những nỗi niềm của nhân thế nhưng những câu chuyện của anh vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. (Thậm chí, tác phẩm Một con đĩ yêu nghề sau này còn được sinh viên ngành điện ảnh chuyển tải theo thể loại phim ngắn). Sau khi tham gia diễn đàn văn học mạng (2010), những tác phẩm của Thạch bắt đầu được chú ý nhiều hơn, một số nhà xuất bản đã liên hệ và chọn ra tác phẩm có cá tính để in thành sách. Tác phẩm Đời Callboy ra đời vào tháng 6-2012 đã nhanh chóng tạo nên một tiếng vang lớn trong lòng độc giả, nhất là trong cộng đồng những người đồng tính. 2.000 bản in đã nhanh chóng bán hết chỉ trong một thời gian ngắn. Những tác phẩm ra đời liên tiếp sau Đời callboy với số lượng phát hành lên đến 6.000 bản (tác phẩm Sông máu 10.000 bản) cũng nhanh chóng nhận được sự đón đợi nhiệt tình của độc giả thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi…
Phải học hỏi mỗi ngày
Trong số những tác phẩm mang nhiều dấu ấn của Thạch, cuốn Lòng dạ đàn bà đã gây ra nhiều tranh cãi lẫn kinh ngạc trong làng văn học trẻ khi một phong cách mang đậm dấu ấn nhà văn Hồ Biểu Chánh đã quay trở lại. Để viết được tác phẩm theo phong cách đó, Thạch đã phải học hỏi rất nhiều từ những nhà văn tên tuổi như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Hồ Biểu Chánh… Ngoài ra, Thạch còn tham khảo bà nội của anh cách xưng hô, các tên đường tưởng như chỉ còn là dĩ vãng. Anh viết như lên đồng, như chính mình là nhân vật, viết bất kể thời gian, lúc no hay đói. Và, Lòng dạ đàn bà là tác phẩm duy nhất mang phong cách văn chương những năm đầu thế kỷ XX.
Chia sẻ về thế hệ những cây bút trẻ, Thạch cho biết nhiều bạn trẻ vẫn thường băn khoăn trước những câu hỏi kiểu: Viết để được cái gì? Viết xong rồi có được mọi người quan tâm không? Có được xuất bản không?… “Nhiều bạn còn gửi mail nói về sự đam mê với sáng tác văn học nhưng lại đắn đo không biết phải thể hiện thế nào, khai thác đề tài ra sao, đề tài đó đã có người nào viết chưa… Theo tôi, việc viết lách trước hết là để thỏa mãn chính sự đam mê của các bạn. Bạn phải dám viết, dám thể hiện ý tưởng của mình thành một tác phẩm thì nhà xuất bản mới quyết định có cho in ấn tác phẩm của bạn hay không. Phải cống hiến trước khi đòi hỏi, đó là quy luật của tất cả các ngành nghề trong xã hội. Nếu cần, bạn cứ viết cho người khác đọc “chùa”, rồi bình luận, khen chê. Đề tài và ý tưởng cũng có thể nghĩ ra, nhưng mỗi tác phẩm sinh ra là một sản phẩm độc nhất, việc của bạn là phải tạo dấu ấn riêng biệt, đưa cái tôi duy nhất đó vào tác phẩm của mình”, Thạch chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Trước nhận định “nhà văn thường không sống được bằng nghiệp cầm bút”, Thạch không phủ nhận điều đó. Nhưng anh cho rằng, người ta có nhiều cách để nuôi sống niềm đam mê của mình như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “lấn sân” sang kinh doanh, Hamlet Trương làm lĩnh vực giải trí hay chính anh cũng làm việc trong lĩnh vực marketing… 
 

Bình luận (0)