Giờ học tại Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: A.K |
Phân tầng và xếp hạng các trường ĐH là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Phân tầng liên quan đến sứ mạng của các trường ĐH. Ở hệ thống nào cũng vậy, tất cả các trường ĐH không thể làm những việc như nhau, mà nó phải làm những việc theo chức năng của từng trường. Phân chia như thế để có cách quản lý, ứng xử thích hợp.
GS. Lâm Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT – cho biết: Sứ mạng, chức năng lại liên quan đến người sở hữu, người đầu tư cho nhà trường cho nên phân tầng, trường ĐH tư khác trường ĐH công. Ở các trường ĐH công, phân tầng là cần thiết, vì khi thành lập, Nhà nước đã quy định chức năng của nó là gì. Kinh nghiệm phân tầng mà thế giới nhắc đến nhiều là phân tầng hệ thống ĐH của California, Mỹ. Họ thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước. Các trường công của California chia thành 3 tầng. Tầng trên cùng có khoảng 9 trường ĐH, tầng giữa khoảng 20-23 trường, tầng dưới là hơn 100 trường CĐ cộng đồng. Ban đầu họ chỉ phân tầng mảng ĐH công, đến khoảng thập niên 1980 mở rộng cho cả các ĐH tư và các trường nghề. Họ có quy định rất chặt chẽ các tầng làm nhiệm vụ gì. Ví dụ tầng trên cùng là các ĐH có trình độ cao, tập trung nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ, có đào tạo cử nhân nhưng ít. Tầng thứ hai chỉ đào tạo đến trình độ thạc sĩ, không đào tạo tiến sĩ. Tầng dưới thì làm hai nhiệm vụ, một là đào tạo nghề, thứ hai là đào tạo hai năm ĐH đại cương nhưng cho phép ai học tốt bằng đại cương có thể chuyển lên tầng trên, ai học xuất sắc có thể chuyển lên tầng trên cùng để học hai năm cuối. Phân tầng này được thế giới ca ngợi.
Ở Việt Nam, các trường ĐH công cũng nên làm được tương tự. Còn trường tư, muốn vào tầng nào là tùy họ. Họ phải tự đề ra cho mình, Nhà nước không phân tầng trường tư. Nhưng hiện nay có lẽ không trường tư nào dám ghép vào tầng trên, vì phải đầu tư rất lớn. Trong dự thảo, tôi thấy chưa được nói rõ là phân tầng theo sứ mạng, chức năng. Vì phân tầng là theo sứ mạng, chức năng nên không đặt vấn đề dịch chuyển từ tầng này lên tầng kia. Khi dịch chuyển thì có nghĩa trường đã thay đổi sứ mạng. Giống như các trường tiểu học, không bao giờ có chuyện phấn đấu thật tốt để trở thành trường THCS. Bởi hai cấp này chức năng, sứ mạng khác nhau. Xếp hạng lại là một khái niệm khác. Xếp hạng dựa vào chất lượng. Đã nói chất lượng thì bất kỳ ở tầng nào, các trường cũng phải phấn đấu đạt kết quả tốt nhất, với quan niệm chất lượng là sự trùng khớp với mục tiêu. Như vậy, trong xếp hạng, trường phấn đấu từ hạng này lên hạng kia hoặc bị tụt hạng cũng là chuyện bình thường.
Xếp hạng cũng là một hoạt động phức tạp, không dễ dàng xếp được một cách chính xác. Theo tôi Nhà nước không nên trực tiếp tham gia vào chuyện xếp hạng cũng như không nên hành chính hóa việc xếp hạng, Thủ tướng và Bộ trưởng không nên công nhận việc xếp hạng. Nên giao cho các tổ chức có đủ điều kiện thực hiện xếp hạng, và để cho xã hội tự tham khảo, đánh giá.
PV: Hiện nay, các trường ĐH của Việt Nam vẫn chưa phân định đâu là trường ĐH nghiên cứu, đâu là trường ĐH thực hành. Vậy liệu việc phân tầng trong thời gian tới có thực hiện được không, thưa ông?
Cái này Nhà nước phải làm, vì chính Nhà nước tạo ra trường công, phải quy định sứ mạng và chức năng cho các trường. Trước đây quy định không chặt chẽ thì nay phải quy định lại cho chặt chẽ. Các trường cũng phải làm đúng sứ mạng, chức năng của mình.
Vậy sứ mạng khác nhau thì đầu tư khác nhau?
Tất nhiên là Nhà nước phải đầu tư khác nhau.
Trong dự thảo, Bộ GD-ĐT có đưa ra rất nhiều các con số định lượng để làm tiêu chí xếp hạng. Theo ông, việc này có cần thiết?
Tôi nghĩ đã phân tầng, xếp hạng đều cần có các tiêu chí. Các tiêu chí đề ra phải tùy theo tình hình, điều kiện.
Có cần thiết cho sinh viên tham gia xếp hạng, thưa ông?
Cái đó do các đơn vị xếp hạng có đặt ra hay không. Nhưng tôi nghĩ là cần thiết. Ví dụ như việc xếp hạng, đánh giá một công ty, một trong những tiêu chí để đánh giá sản phẩm, dịch vụ của nó có tốt là sự hài lòng của khách hàng. Vậy, một trong những tiêu chí xếp hạng của các trường ĐH cũng có thể là sự hài lòng của sinh viên. Do đó, hoàn toàn có thể đưa tiêu chí sự hài lòng của người học hoặc khả năng tìm việc làm của người học sau khi ra trường vào xếp hạng.
Theo ông, xếp hạng, phân tầng sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với sinh viên?
Những thông tin này công khai sẽ giúp cho người học có nhiều thông tin để chọn trường, đó là cái lợi cho người học. Ngay cơ sở tuyển dụng người học cũng có thông tin để tuyển dụng. Không mù mờ về chất lượng đào tạo như hiện nay. Nhà trường cũng thấy mình phải phấn đấu như thế nào. Trước đây, vì sinh viên thiếu chỗ học quá nên trường có tồi thì vẫn tuyển được sinh viên. Nhưng bây giờ thì không như thế. Những trường tư chất lượng kém quá sẽ không tuyển sinh được. Xu hướng cạnh tranh là cần thiết. Đã có cạnh tranh thì sẽ có trường phát triển và có trường phải đóng cửa. Xếp hạng là để tạo thông tin giúp các trường cạnh tranh, phấn đấu tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Bình luận (0)