Chuyện số lượng cầu thủ ngoại nhập quốc tịch trở thành đề tài thời sự khá nóng bỏng của làng BĐVN, nhất là từ lúc nó được đặt lên bàn nghị sự. Khi một quyết định có ảnh hưởng đến quyền lợi riêng của một số đội bóng thì hiển nhiên, khó lòng tìm được sự đồng thuận của tất cả, nhất là các đội bóng xem chuyện nhập quốc tịch như một cách để vươn tới đỉnh cao thành tích.
Không phải ngoại binh nào cũng thi đấu hay tại V.League |
Nhưng đằng sau quyền lợi riêng ấy là sự phát triển của cả một nền bóng đá mà nền tảng của nó phải được căn cứ trên sự vững chắc với chiến lược đào tạo cầu thủ một cách căn bản. Và để những cầu thủ được đào tạo ấy có cơ hội chứng tỏ và phát triển tài năng thì nhất thiết họ phải được thi đấu. Vì không thể cạnh tranh nổi với lực lượng ngoại binh ngày càng đông ở V.League, nên đã có cầu thủ (chủ yếu ban đầu là ở vị trí tiền đạo) tính chuyện xuống hạng Nhất để có cơ hội ra sân nhiều hơn; Hay cũng đã có những cầu thủ trẻ rất triển vọng, nhưng sợ một tương lai bất định trước làn sóng nhập quốc tịch nên sớm bỏ bóng đá để rẽ sang hướng nghề nghiệp khác cho chắc ăn ngoài bóng đá…
Đấy là những hiện tượng thực sự đáng suy ngẫm đang diễn ra với BĐVN trước thực trạng nhập quốc tịch ngoại binh ồ ạt. Thế nên, việc giới hạn số lượng cầu thủ nhập quốc tịch được phép ra sân cũng là vì mục đích chung của nền BĐVN, thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển bóng đá bằng nội lực, tránh kiểu “ăn xổi” để dẫn đến những hệ luỵ xấu có thể xảy đến cho BĐVN trong tương lai. Hơn nữa, việc hạn chế số lượng cầu thủ nhập quốc tịch trên sân cũng tạo nên sân chơi công bằng hơn, góp phần giảm thiểu sự chênh lệch “giàu nghèo” trong bóng đá.
Chỉ một cầu thủ nhập quốc tịch được phép ra sân là quyết định cuối cùng của những người có trách nhiệm với BĐVN trong buổi họp hôm qua cũng bởi mục đích phát triển của nền bóng đá được đặt lên hàng đầu, sau khi đã “cân đo” kỹ được – mất của chuyện nhập quốc tịch.
Hồng Thủy (theo baobongda)
Bình luận (0)