Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Thế giới” của người khuyết tật: Kỳ 2: Những mảnh đời khuyết

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học ghép gỗ mỹ nghệ

Nơi đây, những số phận nghiệt ngã gặp nhau. Thấu hiểu và đồng cảm, nhiều mối tình đẹp như trong thơ ca được đơm hoa kết trái. Rồi những mảnh đời khuyết được ghép lại, nương tựa vào nhau thành tổ ấm.
Số phận nghiệt ngã
Bước vào phòng cắt may, đập vào mắt tôi là hình ảnh cô gái với thân hình nhỏ nhắn, đôi tay ngắn cũn, chẳng có ngón. Đó là em Nguyễn Thị Nữ (17 tuổi, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu), chịu di chứng của chất độc da cam từ cha. Nhìn đôi tay ngô nghê, kỳ dị của Nữ không ai nghĩ em có thể cầm nắm bất cứ vật gì, nói chi đến công việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo từ đôi tay. Thế nhưng theo Nữ, cắt may là ngành nghề phù hợp với thể trạng của mình. Ở lớp may, đa phần học viên khiếm thính, dị tật ở tay, chân nhưng tương đối nhẹ. Cạnh đó, lớp làm hoa đất sét, hoa giấy cũng thế. Dù không may mắn, không lành lặn như bao người song sự khéo léo, óc mỹ thuật của các học viên nữ thì không chê vào đâu được.
Mỗi người một cảnh. Họ gặp nhau ở một mái nhà đầy ắp tình thương yêu vô bờ. Đỗ Văn Tiên quê Long Thành, Đồng Nai tuổi đời chưa quá 25. Tiên không may bị tai nạn giao thông phải cưa cả hai chân. Lao động trụ cột trong gia đình phải làm bạn với chiếc xe lăn kể từ đó. Lần đi chữa bệnh, gặp người cùng cảnh hỏi han, quen biết nhau rồi giới thiệu đến học nghề tranh ghép gỗ mỹ nghệ ở trung tâm.
Bạn cùng lớp với Tiên có đôi chân teo tóp chỉ bằng cánh tay của em bé. Còn đôi tay thì nhỏ thó, run rẫy khi cầm nắm. Người bạn trẻ có số phận không may ấy tên Tú đến từ thành phố Tân An, Long An bị bệnh sốt bại liệt từ nhỏ. Sau khi tìm hiểu nhiều ngành nghề, Tú nhận thấy nghề ghép tranh mỹ nghệ phù hợp với sức khỏe của mình. Nói phù hợp nhưng nhìn Tú cưa những mẫu vẽ trên gỗ bé tẹo hơn cả ngón tay của mình, hai tay ghì chặt gỗ run run sát với lưỡi cưa sắc bén mà tôi không khỏi ái ngại. “Mới đầu chưa quen bị đứt tay hoài, giờ thì em đã quen rồi”, Tú nói.
Học viên Hồ Hùng Dũng (Nghệ An) đã 20 tuổi nhưng người thì như chú chim cánh cụt. Đã vậy, môi còn bị hở hàm ếch, ngọng nghịu nhưng lại tía lia như bắp rang. Một học viên khiếm thính khều tôi rồi chỉ tay về Dũng ra dấu. Thấy tôi ngẩn tò te, một học viên khác “phiên dịch”: “Nó nói thằng Dũng ngọng mà hay nói” khiến tôi không nhịn được cười.
Còn nhiều, rất nhiều cảnh đời kém may mắn với những câu chuyện thấm đẫm nước mắt mà vì lý do tế nhị, tôi không tiện kể ra đây.
Mái ấm gia đình

 

Học viên trong trung tâm có quan hệ tình cảm lành mạnh, công khai. Họ biết rằng, nỗi đau tinh thần và thể xác nào cũng đến lúc phải gạt qua một bên để cố gắng sống đẹp, sống có ích. “Không làm người khác tổn thương, dù nhẹ” là phương châm sống mà các học viên luôn nhớ. Thấu hiểu, đồng cảm rồi đem lòng yêu nhau. Lời thề ước hai tâm hồn tự hàn gắn vết thương cho nhau, xua tan nỗi đau mà họ gánh chịu. Trung tâm cũng luôn tạo điều kiện để học viên tìm hiểu, tiến đến hôn nhân. Ở đây, có những mối tình đẹp nghe cứ ngỡ như đang đọc tiểu thuyết lãng mạn.
Trước đây, hai học viên Nguyễn Hữu Tuyết và Phạm Huỳnh Hoa được trung tâm đứng ra tổ chức đám cưới nhỏ gọn theo đúng nghi lễ. Tiệc cưới của đôi bạn kém may mắn ấy thật thân mật và ấm cúng diễn ra khá lâu nhưng ai nấy cũng còn nhớ như in cảm giác của riêng mình. Những giọt nước mắt hạnh phúc chúc tụng nhau, rồi những cái sụt sùi đưa tiễn… Được biết cô dâu Phạm Huỳnh Hoa mồ côi cả cha lẫn mẹ, không còn người thân thích. Hoa bị liệt nửa người, nói không rõ tiếng. Hôm đám cưới, lãnh đạo trung tâm đại diện cho họ nhà gái. Chú rể Nguyễn Hữu Tuyết bị tật một chân dìu cô dâu đến từng bàn với những bước chân yếu ớt, xiêu vẹo. Đến nay đôi vợ chồng tật nguyền này sống hạnh phúc bên nhau, có công việc làm ổn định. Ngày chủ nhật, lễ tết họ lại dắt con về thăm lại anh em, bạn bè, những người từng cưu mang mình.
Mối tình lãng mạn nhưng không kém sóng gió của Nguyễn Văn Út (Rạch Giá, Kiên Giang) và Phạm Thị Thủy (Lâm Đồng) cũng đã làm nức lòng nhiều người. Sau hai năm quen nhau, anh chị quyết định về thưa chuyện với gia đình chị. Hôm ấy cũng là ngày Út nhận được tin buồn. Vui sao được khi những lời dị nghị không thương tiếc từ họ hàng nhà gái chỉ vì anh bị khuyết tật nặng, mất cả hai chân, sức khỏe yếu ớt lại nghèo rớt mồng tơi. Trong khi đó, chân Thủy bị teo cơ nhưng còn có khả năng đi lại được.
Trước sự cấm cản của gia đình, Út không nản lòng mà luôn chứng minh cho mọi người thấy dù khuyết tật nặng nhưng có thể làm bất cứ việc gì. Chỉ sau một thời gian ngắn, Út đã làm thay đổi suy nghĩ của gia đình Thủy. Đám cưới được diễn ra ngay sau đó. Trung tâm cũng đặt vấn đề tổ chức đám cưới cho đôi bạn nhưng vì đường sá xa xôi, không tiện cho hai bên gia đình lui tới nên hai bạn quyết định chỉ tổ chức gọn nhẹ ở nhà gái. Út cười tít mắt, khoe với tôi: “Vợ em sắp sinh rồi, con trai anh à. Ít hôm nữa em về đón con trai đầu lòng”. Dứt lời, mặt Út đổi sắc, giọng chùng xuống: “Hiện nay, em còn học nâng cao, mỗi tháng chỉ nhận được 400 ngàn tiền học bổng. Số tiền này chỉ đủ thuê nhà. Thứ bảy, chủ nhật có nhận hàng gia công nhưng thu nhập không ổn định, không đủ điều kiện lo cho vợ nên phải gửi về bên ngoại sinh đẻ, buồn lắm chứ”.
Thế đấy, những mảnh vỡ cuộc đời được ghép lại từ ý chí, nghị lực và sức mạnh của niềm tin thật đáng khâm phục.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri

Có người nói với Thủy: “Mày còn có nhiều cơ hội để tìm một tấm chồng chứ có phải hết đường đâu mà đi lấy cái thằng què quặt, suốt ngày ngồi xe lăn kia”. Thủy vẫn bỏ ngoài tai, càng yêu Út nhiều hơn.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)