Ngay sau khi Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã chính thức có hiệu lực, giá xăng dầu bán trên thị trường đã có sự biến động giữa các đơn vị phân phối bán lẻ và công ty chiếm thị phần lớn là Petrolimex.
Giá của các đơn vị bán lẻ rẻ hơn Petrolimex
Giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường sau hơn 1 tháng Nghị định số 84 có hiệu lực đã có sự thay đổi giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Nếu ngay tại thời điểm ngày 15/12, khi Nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là Petrolimex đã có động thái giảm giá xăng 350 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 300 đồng/lít.
Trong khi đó các doanh nghiệp khác như PV Oil, Xăng dầu Quân đội cũng thông báo áp dụng giá bán với mức giảm tương tự nhưng giảm chậm hơn so với Petrolimex.
Tuy nhiên, đến chiều 2/3/2010 nhiều đơn vị phân phối bán lẻ đã giảm giá xăng thấp hơn so với Petrolimex.
Giá bán lẻ xăng dầu của công ty Petrolimex là 16.990 đồng/lít. Trong khi đó, giá bán của Công ty TNHH& Du lịch Sông Hồng tại cây xăng trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội rẻ hơn giá Petrolimex là 50 đồng/lít (16.940 đồng/lít), giá bán của Tổng đại lý xăng dầu tư nhân Mạnh Cường tại cây xăng trên đường Láng là 16.950 đồng/lít (rẻ hơn Petrolimex 40 đồng/lít), giá bán của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội ngang bằng với Petrolimex.
Mặc dù có sự khác nhau về giá xăng dầu giữa các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, tuy nhiên nhiều khách hàng gần như không mấy chú ý đến điểm này vì mức chênh lệch giá không đáng kể.
Nhiều khách hàng không chú ý đến sự chênh lệch giá xăng bán lẻ giữa các DN do mức chênh không lớn
|
“Đi mua xăng tôi cũng không quan tâm lắm đến sự khác nhau về giá này vì chênh nhau như thế này quá ít, nếu mua vài lít như tôi thì số tiền trả cũng không hơn kém là bao nhiêu”, một khách hàng cho biết..
Ông Vương Thái Dũng – Phó TGĐ Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì trả lời rằng: “Chúng tôi không biết các doanh nghiệp khác áp dụng mức giá thế nào để cạnh tranh, Petrolimex tuân thủ đúng công thức tính theo đúng Nghị định 84 là Giá bán lẻ được tính căn cứ vào giá CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, tỷ giá ngoại tệ, thuế VAT, phí xăng dầu, các loại thuế, phí khác và các khoản trích nộp khác theo quy định hiện hành, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và lợi nhuận".
Tuy nhiên mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng, cách tính riêng. Mức giá cuối cùng có độ chênh lệch khác nhau nhưng bắt buộc phải tuân thủ theo giá chung của Nhà nước quy định.
Giảm giá trong độc quyền vẫn không phải là cạnh tranh
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cơ chế quản lý giá xăng hiện nay cần phải được xem xét từ gốc của vấn đề. Các doanh nghiệp giảm giá chút ít như vậy không phải là cạnh tranh về giá.
Ví dụ mỗi lít xăng chênh nhau 40 đồng thì mua 4 lít xăng, người tiêu dùng cũng chỉ được lãi 200 đồng, số tiền không đáng kể. Trong khi đó, khi mua xăng không ai lại chạy vài cây số để đến điểm mua xăng được rẻ hơn 200 đồng.
Vấn đề ở đây phải được nhìn từ gốc, tức là thấy cây gậy cho xuống nước bị cong không có nghĩa là nó cong mà do khúc xạ ánh sáng tạo nên ảo giác cho mắt. Hiện nay, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu ở nước ta thực chất vẫn là độc quyền.
Theo Luật Cạnh tranh, một DN chiếm 30% thị phần đó là DN kinh doanh độc quyền. Trong khi đó, Petrolimex chiếm hơn 60% thị phần xăng dầu của cả nước.
Đã là DN độc quyền thì không thể để cho DN tự định giá mà nhà nước phải định. Phải hiểu là nhà nước tự định giá không có nghĩa là chúng ta lại quay về thời kỳ bao cấp. Nhà nước phải đại diện cho toàn dân định giá cho phù hợp trong từng thời kỳ.
Như vậy, thực chất việc giảm giá hơn một chút không phải là cạnh tranh mà là dựa trên giá độc quyền để giảm hơn nhằm tạo ra sự ngộ nhận về giá. Cạnh tranh phải tạo ra sự khác biệt lớn. Ví dụ các doanh nghiệp phải có sự chênh lệch vài trăm đồng mỗi lít xăng.
Một số DN bán với mức giá thấp hơn Petrolimex không có nghĩa họ sẽ chịu lỗ vì nếu lỗ DN sẽ không làm. Với mức giá đã giảm họ vẫn có lãi. Điều đó chỉ chứng tỏ Petrolimex định giá cao hơn và thu lợi lớn.
Theo Nguyễn Yến (bee.net.vn)
Bình luận (0)